Hướng dẫn xử lý nước thải tại cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BXD hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải.
Theo đó, giải pháp xử lý nước thải phi tập trung được áp dụng đối với các khu hoặc cụm dân cư, khu đô thị mới, hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chợ, trường hợp, khu nghỉ dưỡng hoặc các khu vực bị hạn chế bởi đất đai, địa hình... không có khả năng hoặc chưa thể kết nối với hệ thống thoát nước tập trung.
Thông tư cũng nêu rõ các giải pháp xử lý nước thải phi tập trung. Cụ thể, xử lý nước thải phi tập trung tại chỗ thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước riêng lẻ với tổng lượng nước thải dưới 50m³/ngày.đêm, thiết bị/trạm xử lý nước thải được đặt ngay tại khuôn viên của hộ thoát nước.
Xử lý nước thải phi tập trung theo cụm thường được áp dụng đối với các hộ thoát nước ở gần nhau với tổng lượng nước thải từ 50 m³/ngày.đêm đến 200 m³/ngày.đêm. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trạm xử lý nước thải có thể được đặt tại khuôn viên của một hộ thoát nước hoặc ở một vị trí riêng biệt, thuận lợi để thu gom nước thải từ các hộ thoát nước.
Xử lý nước thải phi tập trung theo khu vực thường được áp dụng trong một địa giới hành chính nhất định với tổng lượng nước thải từ 200 ³ngày.đêm đến 1000 m³/ngày.đêm, vị trí của trạm/nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch thoát nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào nguồn thải phát sinh, nguồn tiếp nhận, điều kiện kinh tế, địa hình, trình độ, năng lực quản lý, vận hành hệ thống thoát nước tại địa phương quyết định lựa chọn giải pháp xử lý nước thải phi tập trung phù hợp.
Thông tư cũng quy định tiêu chí lựa chọn công nghệ để xử lý nước thải phi tập trung gồm: a- Quy mô công suất trạm/nhà máy xử lý nước thải; b- Thành phần và tính chất nước thải phát sinh, mức độ ô nhiễm, sức chịu tải nguồn tiếp nhận, vị trí xả nước thải sau xử lý từ nơi phát sinh nước thải; c- Mức độ sử dụng năng lượng cần thiết cho thu gom xử lý; d- Các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước thải sau xử lý; đ- Điều kiện về kỹ thuật, tài chính và năng lực quản lý, vận hành trạm/nhà máy xử lý nước thải; e- Điều kiện về khí hậu, địa hình, địa chất công trình, địa chất thủy văn; g- Khả năng mở rộng hoặc nâng công suất và khả năng kết nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung trong tương lai; h- Các yếu tố khác về môi trường có liên quan.
Sử dụng nước thải sau xử lý
Thông tư cũng quy định, việc quản lý, sử dụng nước thải sau xử lý phải hướng tới việc tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng an toàn, đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe cộng đồng và vệ sinh môi trường.
Nước thải sau xử lý chủ yếu được sử dụng cho các mục đích: Tưới tiêu nông nghiệp; tưới cây, rửa đường, rửa xe; tái sử dụng trong công nghiệp; bổ sung nước cho hồ chứa nước phục vụ cảnh quan giải trí; sử dụng tuần hoàn hoặc cho các mục đích khác. Chất lượng nước thải sau xử lý nhằm sử dụng lại phải đảm bảo đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sử dụng cho các mục đích tương ứng và tuân thủ theo các quy định hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2015 và thay thế Thông tư số 09/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định chi tiết thực hiện một số nội dung của Nghị định số 88/2007/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp.