Ngành NN&PTNT sẽ sắp xếp lại bộ máy các sở, các phòng quản lý ở cấp huyện theo hướng rút gọn bộ máy, nhưng hoạt động thống nhất và sẽ đảm bảo vận hành một cách hiệu quả.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại hội nghị triển khai Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV tổ chức hôm nay (24/4).
Đây là đề án kiện toàn hệ thống quản lý ngành, đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, hệ thống quản lý ngành chưa được thông suốt nên hoạt động vẫn còn kém hiệu quả. Chính vì vậy, hội nghị này nhằm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về NN&PTNT thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Hiện nay, ngành NN&PTNT đang thực hiện 2 chương trình lớn là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, yêu cầu công việc đòi hỏi ngành phải sắp xếp lại bộ máy thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ mới của toàn ngành. Nhiều địa phương đã chủ động sắp xếp lại bộ máy hành chính.
Bộ trưởng NN&PTNT cũng chỉ ra một số tồn tại trong thực thế: “Trên có 1 tổng cục, ở dưới địa phương, nơi có 1 chi cục, nơi thì 2 chi cục. Chưa kể đến tên gọi cũng khác nhau. Hay như Tổng cục Thủy sản, địa phương có nơi có chi cục, nơi không. Về đến huyện, xã càng không thấy đâu. Trong chăn nuôi càng ít hơn. Xã có cán bộ thú y, nhưng chăn nuôi lại không có. Thậm chí, huyện có khi chỉ có 1 cán bộ, xuống xã thì lại càng không biết là ai”.
“Không thể hoạt động với bộ máy lủng củng như vậy được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước cho rằng, nếu như không giao nhiệm vụ trồng trọt cho bảo vệ thực vật thì công tác bảo vệ cũng không hiệu quả.
Tương tự trong công tác chăn nuôi và thú y cũng vậy. Sở NN&PTNT Bình Phước đã mạnh dạn báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước cho phép thành lập Chi cục Chăn nuôi-Thú y và Chi cục Bảo vệ thực vật-Trồng trọt để xác định rõ nhiệm vụ và chức năng. Sở đã giao nhiệm vụ cho 2 chi cục xây dựng quy hoạch về trồng trọt giai đoạn 2011-2020 và quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm tập trung.
“Đến nay đã 10 năm triển khai và rất hiệu quả. Đó là huy động và tận dụng được lực lượng để thực hiện và bộ máy hoạt động linh hoạt hơn. Với bộ máy hoạt động theo Thông tư liên tịch số 14 chúng tôi thấy rất yên tâm” - ông Nguyễn Văn Tới khẳng định.
Thông tư liên tịch số 14 quy định, mỗi sở NN&PTNT không quá 6 phòng và 7 chi cục. 7 chi cục gồm: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy sản, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
Thông tư liên tịch cũng quy định rõ không quá 3 phó giám đốc sở, không quá 2 phó chi cục trưởng các chi cục quản lý chuyên ngành. Thông tư này có hiệu lực từ 11/5/2015.