Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc ca; khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về chất lượng giống; hướng dẫn người sản xuất hợp tác, liên kết với doanh nghiệp đầu tư, tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển cây mắc ca theo hướng nhanh, bền vững.
Mắc ca là loại cây ăn quả thân gỗ, thuộc nhóm quả hạch, hạt có vỏ cứng, nhân dùng trực tiếp làm thực phẩm, hoặc chế biến bánh, kẹo, mỹ phẩm... Loại cây này ưa khí hậu mát, mưa ẩm và khô hạn xen kẽ, sinh trường và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20-25 độ C, lượng mưa hàng năm 1.500-2.500 mm, độ cao 300-1.200 m. Đất trồng mắc ca tốt nhất là dạng đất thịt nhẹ, thoát nước tốt, tầng đất sâu, ẩm. Trồng cây mắc ca ở những nơi bị gió mạnh, sương muối, mưa phùn vào thời điểm thụ phấn sẽ giảm khả năng đậu quả.
Hiện mắc ca trồng nhiều ở Úc, Mỹ, Nam Phi, Kenya và một số nước khác, với tổng diện tích khoảng 80.000 ha, sản lượng 140 nghìn tấn quả/năm. Tại Việt Nam, hiện mới một vài công ty, cơ sở chế biến hạt mắc ca, nhưng quy mô nhỏ, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hiện diện tích mắc ca trồng thử và dự án khuyến lâm theo chương trình của bộ này ở Tây Bắc và Tây Nguyên là khoảng 520 ha. Ngoài ra, diện tích do các tổ chức, cá nhân tại các địa phương khác trồng khoảng 1.920 ha.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích trồng mắc ca cả trồng tập trung và trồng xen trên cả nước từ nay đến năm 2020 chỉ nên vào khoảng 10.000ha.