Giúp nông dân sản xuất hiệu quả hơn
14:49 - 02/11/2015
Giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hay chính sách hỗ trợ đối với sản xuất nông nghiệp... là những nội dung mà "Nhịp cầu nhà nông" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức đã mang đến cho bà con nông dân các huyện ngoại thành thời gian qua.

Trồng su hào trái vụ tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ.
Sân chơi bổ ích
Theo chân đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xuống "điểm cầu" Phúc Thọ mới thấy được sự háo hức của bà con nông dân chờ đón "Nhịp cầu nhà nông". Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều bà con nông dân đã có mặt tại UBND thị trấn Phúc Thọ để nghiên cứu tài liệu do Ban Tổ chức phát. Bước vào chương trình, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp của TP và cả nước, bà con đã mạnh dạn đặt câu hỏi. Những phiếu ghi câu hỏi liên tục được chuyển lên cho các "nhà tư vấn" trên bàn chủ tọa.Chị Khuất Thị Liên, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ cho biết, gia đình chị có trang trại VAC diện tích 3 mẫu. Dù đã có chút kinh nghiệm trồng cây ăn quả nhưng mấy vụ gần đây, tỷ lệ đậu quả trong vườn nhãn, bưởi của gia đình chị đạt khá thấp. Mang thắc mắc này đến với "Nhịp cầu nhà nông", chị Liên đã được các chuyên gia tận tình hướng dẫn kỹ thuật hãm cây, hãm lộc để tăng tỷ lệ đậu quả. "Trước đây tôi chưa được biết đến những kỹ thuật này nên được hướng dẫn, tôi rất mừng và mong muốn ngày càng nhiều kỹ thuật mới đến tay người nông dân" - chị Liên tâm sự.
Cũng như chị Liên, đến với "Nhịp cầu nhà nông", ông Khuất Văn Hiện, xã Long Xuyên chuẩn bị khá nhiều câu hỏi về những vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất. Hơn 3 sào trồng rau màu, chủ yếu là rau ăn lá, gia vị, hành hoa là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Hiện. Tuy nhiên, nhiều vụ, rau cải bị thối gốc, còn cà chua khi ra hoa, đậu quả bị chết xanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Đến với chương trình, ông Hiện không ngần ngại bày tỏ tâm tư của mình và được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ. Sau khi nghe "gỡ rối" xong, nụ cười mãn nguyện đã nở trên khuôn mặt của lão nông chân chất dạn dày sương gió.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi đáng kể cơ cấu mùa vụ gieo trồng, đòi hỏi bà con nông dân phải tiếp cận được kỹ thuật sản xuất mới để kịp thời điều chỉnh. Chính vì vậy, đến với diễn đàn, bà con nông dân đã được các chuyên gia như TS Ngô Vĩnh Viễn - nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, TS Cao Văn Chí - Viện Rau quả, GS Nguyễn Lân Hùng… hướng dẫn nhiều kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Trong đó tập trung vào kỹ thuật ươm giống, chăm sóc, cách thức thúc cây ra hoa, quả đúng thời vụ. Đối với việc phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, bà con cần lưu ý phun thuốc đúng cách, đúng thời điểm và xử lý hạt giống trước khi gieo trồng để đạt hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Văn Đạc - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ, hiện nay, huyện đã dồn điền đổi thửa được gần 4.000ha đất canh tác, tạo điều kiện mạnh mẽ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Do đó, "Nhịp cầu nhà nông" là cơ hội tốt để bà con nông dân, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh được gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học để tìm hiểu về tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Đồng thời, nắm bắt được các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của TP và T.Ư đang được triển khai.
Không chỉ riêng Phúc Thọ, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức một loạt chương trình "Nhịp cầu nhà nông" tại các huyện khác như Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh... Bên cạnh tháo gỡ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nói chung, chuyên đề mà Trung tâm tập trung đẩy mạnh phổ biến là kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh như hoa đào, ly, cúc, đồng tiền... Ông Nguyễn Hồng Anh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, hiện nay, trong sản xuất hoa đã áp dụng kỹ thuật nhà màng, nhà lưới và chiếu xạ điều khiển ra hoa đúng thời điểm. Do đó, "Nhịp cầu nhà nông" nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới này, cũng như định hướng triển khai các mô hình thí điểm trong thời gian tới để nâng cao thu nhập.
Nguồn: KTĐT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo