Với đặc tính thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị kinh tế cao, nhiều năm trở lại đây, cây đậu tương đã giúp nông dân tăng thu nhập.
Nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hướng tới sản xuất đậu tương theo hướng hàng hóa, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã thực hiện hiệu quả việc nhân rộng mô hình sản xuất đậu tương giống tại các huyện ngoại thành.
1 đậu = 2 lúa
Là hộ gia đình tham gia vào mô hình sản xuất đậu tương giống DT 84 tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, ông Hoàng Việt Hùng chia sẻ, trồng đậu tương cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần cấy lúa mà lại không tốn nhiều công chăm sóc. “Vụ này, gia đình tôi trồng 4 sào, dự kiến cho thu hoạch 4,5 tạ. Với giá bán từ 18.000 – 20.000 đồng/kg đậu tương giống, gia đình cầm chắc thu nhập 8 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 5 triệu đồng” - ông Hùng phấn khởi nói.Hiện nay, toàn xã Trung Châu trồng 70ha đậu tương giống DT 84 trên vùng đất bãi. Ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch UBND xã Trung Châu, cho biết, mặc dù thời tiết không thuận, mưa nhiều vào đầu vụ, nhưng do chất lượng giống đảm bảo, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên hầu hết diện tích đậu tương không bị ảnh hưởng. Có thể nói đây là vụ đậu tương được mùa nhất từ trước đến nay. Năm nay, với sản lượng dự kiến 175 tấn đậu tương DT 84, xã tự tin cung ứng đủ lượng giống chất lượng cho bà con nông dân địa phương và các xã lân cận.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất đậu tương vụ Đông. Tại một số huyện, vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất chính góp phần tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, vài năm gần đây, diện tích đậu tương Đông đang dần bị thu hẹp do thời tiết bất thường, mưa nhiều vào đầu vụ và cuối vụ, gây khó khăn cho chăm sóc, thu hoạch và phơi sấy. “Hiện nay, giống đậu tương dùng trong sản xuất vẫn chủ yếu là người dân tự để giống nên có phẩm cấp thấp dẫn đến tình trạng thoái hóa giống, không đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Vì vậy, việc chủ động sản xuất giống đậu tương DT 84 vụ hè thu để chuẩn bị nguồn giống cho sản xuất vụ Đông là vô cùng cần thiết” - bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT nhận định.
Hình thành vùng sản xuất hàng hóa
Nhằm cung ứng lượng giống đậu tương đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt cho vụ Đông tới, vụ Hè Thu 2015, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội triển khai mô hình sản xuất đậu tương giống DT 84 với diện tích 210ha tập trung tại 5 hợp tác xã (HTX) của 2 huyện Đan Phượng và Phúc Thọ. Tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư, phân bón, thuốc BVTV, đồng thời được tập huấn về kỹ thuật canh tác. Đặc biệt, Trung tâm còn phối hợp với phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT), Công ty CP Giống cây trồng T.Ư về kiểm định chất lượng giống đậu tương vào các giai đoạn ra hoa và chắc quả xanh. Đây là cách làm để tạo vùng sản xuất giống đậu tương chuyên canh, bền vững và thúc đẩy phát triển sản xuất cây vụ Đông trên địa bàn TP.
Bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, mặc dù, điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, song nhờ chủ động các biện pháp khắc phục và tuân thủ các quy trình kỹ thuật nên đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, 100% diện tích đậu tương đang ở giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, năng suất dự kiến đạt trên 2,3 tấn/ha, sản lượng đạt 490 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 4,3 tỷ đồng. Hiệu quả của mô hình sẽ cung cấp giống đậu tương đảm bảo chất lượng, đủ cung ứng cho gần 5.000ha trong vụ Đông cho các huyện ngoại thành. Từ thành công năm nay, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất nhằm cung ứng đủ lượng giống cho sản xuất vụ Đông của TP. Đồng thời, định hướng quy hoạch vùng chuyên canh đậu tương, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa.