Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã ký ban hành Chỉ thị số 7285/CT-BNN-CN về tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi.
Chỉ thị nêu rõ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng báo động ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. Điều này không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm phương hại đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước, trong lúc sức ép của các loại thực phẩm nhập ngoại đang ngày một gia tăng.
Trước thực trạng trên, để khẩn trương chấn chỉnh lại hoạt động này, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh do Sở NN&PTNT làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan: Y tế, Công Thương, Tài chính, Công an triển khai cấp bách một số nội dung.
Thứ nhất, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay.
Thứ hai, tổ chức các đoàn công tác tiến hành thanh – kiểm tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol trên địa bàn tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN), thuốc thú y; các cơ sở, trang trại chăn nuôi; các lò mổ; các chợ…
Thứ ba, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT và Điều 155 Bộ Luật hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ tư, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai công tác kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn, gửi Cục Chăn nuôi tập hợp báo cáo Bộ và Ban chỉ đạo 389 về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Lê Anh