Hướng tới giải pháp toàn diện xử lý chất thải chăn nuôi
16:20 - 08/10/2015
Một số hạn chế sau đây của biện pháp khí sinh học đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xử lý môi trường chăn nuôi tại nhiều vùng nông thôn.
Hầm khí sinh học (biogas) vẫn được coi là giải pháp chủ yếu trong xử lý chất thải chăn nuôi lợn tại Việt Nam

LTS: Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế phát sinh trong thực tế triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp, NNVN xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thế Hinh, Trưởng BQL dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp Trung ương.

Cho tới nay, hầm khí sinh học (biogas) vẫn được coi là giải pháp chủ yếu trong xử lý chất thải chăn nuôi lợn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một số hạn chế sau đây của biện pháp khí sinh học đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xử lý môi trường chăn nuôi tại nhiều vùng nông thôn.

I. Quy mô chăn nuôi không tương xứng với công suất xử lý của hầm khí sinh học

Công suất xử lý của hầm khí sinh học là cố định trong khi quy mô chăn nuôi của người dân thay đổi thường xuyên. Hiện tượng đưa chất thải chăn nuôi quá công suất xử lý của hầm khí sinh học rất phổ biến khi người dân tăng quy mô chăn nuôi.

Chất thải chăn nuôi đưa xuống hầm khí sinh học chưa kịp phân hủy đã trào ra ngoài gây ô nhiễm nguồn nước.

Ví dụ, một hộ dân ở Hà Tĩnh ban đầu nuôi 15 con lợn và có xây hầm khí sinh học 9m3 (đủ công suất xử lý phân của 15 con lợn). Tuy nhiên, sau nửa năm, hộ dân đó đã bị người dân xung quanh phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Dự án đến kiểm tra và phát hiện lý do là hộ dân đó đã tăng quy mô chăn nuôi lên đến 80 con lợn, tất cả phân của 80 con lợn đều cho xuống hầm 9m3 nên rất ô nhiễm cho nguồn nước xung quanh.

II. Khí gas sinh ra không được sử dụng hết

Nhiều hộ chăn nuôi được hướng dẫn xây dựng/lắp đặt hầm khí sinh học tương ứng với quy mô chăn nuôi. Tuy nhiên, hướng dẫn này đã dẫn đến khí gas sinh ra không được sử dụng hết, phải đốt bỏ gây lãng phí hoặc xả thải ra môi trường gây ô nhiễm.

Nhu cầu sử dụng khí gas đun nấu của một hộ nông dân không nhiều, chỉ cần một hầm khí sinh học 9m3 là đủ cung cấp khí ga cho cả gia đình khoảng 6 người.

Việc sử dụng khí gas để chạy máy phát điện gặp nhiều khó khăn do bộ lọc khí gas (để lọc H2S và hơi nước) chất lượng kém, dễ làm hỏng máy phát điện và giá điện lưới thấp nên người dân không mặn mà với máy phát điện chạy bằng khí gas.

Các thiết bị sử dụng khí gas sinh học khác không tiện dụng và mau hỏng, việc dẫn khí gas từ các trang trại về các hộ gia đình để tiêu thụ cho đun nấu chưa được thực hiện.

Thị trường tiêu thụ khí gas sinh học chưa được hình thành tại Việt Nam thời điểm này do công nghệ chưa phù hợp và giá năng lượng khí gas sinh học chưa hấp dẫn.

Thực trạng nêu trên đòi hỏi phải có một giải pháp quản lý chất thải chăn nuôi toàn diện hơn nhằm tránh thực trạng ở một số nơi, biện pháp khí sinh học chỉ giúp giảm được ô nhiễm mùi nhưng lại tăng ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Qua nghiên cứu thực tiễn, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp đề xuất một số biện pháp sau nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên:

a) Đảm bảo đưa chất thải chăn nuôi đúng công suất xử lý của hầm khí sinh học: Thông qua tập huấn, hướng dẫn và thông tin tuyên truyền, dự án đã nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng các công trình khí sinh học đúng cách và an toàn.

Các hộ dân chăn nuôi có quy mô lớn hơn công suất xử lý của hầm khí sinh học hiện có sẽ biết cách phân chia lượng chất thải vừa đủ để đưa xuống hầm khí sinh học, chất thải thừa sẽ được xử lý bằng các biện pháp khác (như ủ phân compost, bón ruộng, chôn lấp…).

Những hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn cần có bể điều hòa để chứa chất thải tươi trước khi dẫn xuống hầm biogas, khi bể điều hòa đầy có thể sử dụng máy ép phân để tách chất khô (làm phân hữu cơ, thức ăn cho cá, nuôi giun…) và nước thải lỏng sẽ dẫn xuống hầm khí sinh học để sinh khí gas.

Giải pháp này sẽ giúp khắc phục hiệu quả sự không đồng bộ giữa quy mô chăn nuôi luôn thay đổi của nông hộ và công suất xử lý chất thải chăn nuôi luôn cố định của hầm khí sinh học.

b) Đảm bảo không thải khí gas thừa ra môi trường: Các hộ chăn nuôi được khuyến cáo cần phải có kế hoạch sử dụng khí gas trước khi xây dựng các công trình khí sinh học, lượng khí gas thừa sinh ra cần phải đốt bỏ, không được xả trực tiếp ra môi trường.

Dự án sẽ hỗ trợ các nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ về lọc khí gas, các thiết bị sử dụng khí gas sinh học hiệu quả hơn để phát điện, dẫn khí gas đến các hộ nông thôn để đun nấu…

Biện pháp khí sinh học không thể là giải pháp chủ yếu và duy nhất để xử lý môi trường chăn nuôi trong điều kiện nước ta hiện nay. Để có thể xử lý toàn diện ô nhiễm của chất thải chăn nuôi đặc biệt chăn nuôi lợn, chúng ta cần kết hợp các biện pháp phi khí sinh học khác như SX phân bón hữu cơ, nuôi giun, nuôi cá...

Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, chính quyền địa phương cần quan tâm định hướng thu gom và sử dụng chất thải làm phân bón hữu cơ thông qua công nghệ máy ép phân thành chất khô để dễ vận chuyển.

Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ưu đãi cho các doanh nghiệp quy mô lớn SX phân bón hữu cơ thương mại từ chất thải chăn nuôi nhằm hình thành mạng lưới dịch vụ thu gom chất thải từ các hộ chăn nuôi, giúp giảm ô nhiễm môi trường và tạo thêm thu nhập, việc làm cho lao động nông thôn.

 

TS. NGUYỄN THẾ HINH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo