Lợi ích từ cây trồng biến đổi gen
15:54 - 29/04/2015
(Cổng TTĐT Hội ND)- Cây trồng biến đổi gen (GMO) là giống cây trồng mới, có đưa gen quy định một số đặc tính nông sinh học theo mong muốn của con người (thay đổi 2-3 gen trong tổng số 2.000-3.000 tế bào gen). Thực tế trong thiên nhiên vẫn xảy ra những sự kiện GMO nhằm mục đích có lợi cho tiến hóa, nhưng sự biến đổi trong thiên nhiên rất chậm, diễn ra trong hàng trăm hàng nghìn năm hoặc lâu hơn nữa. Còn cây trồng GMO chỉ hoàn thành trong vài năm do có sự chủ động của con người nhằm mục đích có lợi cho con người. Hiện các nhà khoa học đề nghị gọi là cây trồng công nghệ sinh học.
Ảnh minh họa.

 
Cây trồng GMO được tạo ra để đạt được những tính trạng mong muốn như kháng côn trùng hoặc đẩy nhanh giai đoạn chín của trái cây, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Đã có 8 loại cây trồng GMO phổ biến hiện nay (ngô, đậu tương, bông, cây cải dầu, cỏ linh lăng, củ cải đường, đu đủ, bí đỏ).
 
Điển hình như cây ngô GMO có đặc điểm mới, trên thế giới đã tạo ra một số ngô GMO, ngô kháng sâu. Ngô bình thường sâu đục thân, đục bắp làm ngô ngã đổ, bắp bị hỏng. Giống ngô mới sinh ra gen có protein sâu ăn vào sẽ bị chết, giảm thiểu thiệt hại do sâu gây ra. Còn có ngô chống chịu thuốc diệt cỏ, cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng qua đó làm giảm năng suất của cây trồng. Đến 2014, đã có 60 sự kiện ngô GMO được cấp phép trồng trọt ngoài môi trường tự nhiên. Các đặc tính chủ yếu được biến đổi ở ngô là kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ và nâng cao hàm lượng dinh dưỡng. Giá trị tăng thêm khi canh tác ngô kháng sâu là 4.8%.
 
Hiện tại các nhà khoa học đang có một số công trình nghiên cứu đưa ra một số cây trồng mới có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với cây trồng bình thường (vitamin, tinh bột…) hoặc có khả năng bảo quản lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số loại cây trồng GMO khác đang được nghiên cứu như chống chịu hạn, chịu mặn, chịu ngập, chịu phèn… Đến năm 2015 cây ngô chống chịu hạn sẽ được đưa vào trồng trong thời gian tới.
 
Tính đến năm 2014, cây trồng GMO đã được canh tác, nhập khẩu và/hoặc nghiên cứu trong các thử nghiệm thực địa tại 70 quốc gia trên thế giới. Đến  nay, đã có 3.083 giấy chứng nhận đã được ban hành cho 357 sự kiện GMO thuộc 27 loại cây trồng khác nhau, trong đó 1.458 giấy chứng nhận cho sử dụng làm thực phẩm (sử dụng trực tiếp hoặc chế biến), 958 giấy chứng nhận cho sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (sử dụng trực tiếp hoặc chế biến) và 667 giấy chứng nhận phóng thích ra môi trường. Nhật Bản là quốc gia phê duyệt nhiều nhất (201 giấy chứng nhận), tiếp theo là Mỹ (171 giấy chứng nhận, không kể các sự kiện tổ hợp), Canada (155 giấy chứng nhận)…
 
Phân tích tổng hợp toàn cầu về tác động của cây trồng công nghệ sinh học trong 20 năm (1995-2014) cho thấy, cây trồng công nghệ sinh học giúp tăng 22% sản lượng, giảm 37% sử dụng thuốc trừ sâu nhờ đó tăng 68% lợi nhuận cho nông dân. Việc tăng sản lượng của cây công nghệ sinh học còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học nhờ tiết kiệm đất canh tác.
 
Bên cạnh đó, đem lại môi trường tốt hơn nhờ tiết kiệm được 500 triệu kg phân bón hóa học. Riêng năm 2013, đã giảm được phát thải khí CO2 tới 28 tỷ kg, tương đương với 12,4 triệu chiếc xe ôtô lưu thông trên đường một năm.
 
Năm 2014 là năm thứ 19, cây trồng công nghệ sinh học được đưa ra thương mại hóa thành công. Đến nay, tổng diện tích lũy kế đã đạt 1,8 tỷ ha. Cây trồng công nghệ sinh học được canh tác tại 28 nước với tổng diện tích đạt 181,5 triệu ha, gấp hơn 100 lần so với năm đầu tiên được trồng (1996).
 
Mỹ là quốc gia dẫn đầu về diện tích trồng cây công nghệ sinh học với 73,1 triệu ha, mức tăng trưởng hàng năm đạt 4%, tương đương với 3 triệu ha. Đứng thứ hai là Brazil và Argentina duy trì ở vị trí thứ ba.
 
Năm 2014, nhiều loại cây trồng công nghệ sinh học mới được đưa vào canh tác ở các nước và dự kiến tiếp tục triển khai trong thời gian tới như cà tím Bt (Bangladesh), khoai tây Innate và cỏ alfalfa (Mỹ), mía chịu hạn (Indonesia), đậu kháng virus (Brazil).
 
Tuy nhiên, sau gần 20 năm khi giống cây trồng GMO lần đầu được đưa vào sản xuất rộng rãi, các tranh cãi về lợi – hại của nguồn giống này vẫn tiếp diễn. Vẫn còn nhiều quốc gia không chấp nhận loại cây trồng này hoặc chỉ giới hạn một số loại do lo ngại về vấn đề an toàn cho con người và môi trường. Hiện cây trồng GMO ngay cả trên thế giới cũng chỉ mới áp dụng trên 4 loại cây trồng là ngô, đậu tương, bông, cải dầu.
 
Châu Âu và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn không chấp nhận cây trồng biến đổi gen. Một số lô hàng của VN vào châu Âu đã buộc phải có chứng nhận không biến đổi gen (nonGMO) và xu hướng này còn tiếp tục trong thời gian tới. Nước Úc chỉ cho thương mại hóa cây bông vải, cải dầu và hoa biến đổi gen nhưng không cho phép trồng các cây lương thực biến đổi gen.
 
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gen có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Bộ Tài nguyên môi trường cấp giấy xác nhận an toàn sinh học cho 4 sản phẩm ngô biến đổi gen đầu tiên ở Việt Nam. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc phát triển hành lang pháp lý, hiện thực hóa chủ trương đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác năm 2015. Với việc cho phép các giống bắp của Monsanto và Syngenta trồng phổ biến từ ngày 18-3-2015, VN là quốc gia thứ 29 trên thế giới cho phép trồng thương mại các giống cây trồng biến đổi gen. Tại Đông Nam Á, VN là quốc gia thứ hai cho phép trồng đại trà cây biến đổi gen sau Philippines.
 
Cây trồng GMO có thể là câu trả lời cho rất nhiều vấn đề nan giải mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cây trồng GMO sẽ giúp chúng ta giải được bài toàn nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi hiện vẫn chưa chủ động được.
 
Theo chủ trương của Chính phủ về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020", Việt Nam hướng tới sẽ đưa một số cây trồng biến đổi gen vào sản xuất năm 2015 và đến năm 2020 sẽ phát triển cây trồng biến đổi gen chiếm 30-50% diện tích.

Minh Đức
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo