24.000 nông dân được chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô chuyển gen
21:38 - 26/04/2015
Cùng với quyết định của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép 3 giống ngô chuyển gen của Công ty Syngenta Việt Nam chính thức được đưa vào sản xuất đại trà, vào đầu tháng Tư, lô hạt giống ngô chuyển gen đầu tiên NK66Bt/GT mang hai tính trạng vượt trội là kháng sâu đục thân châu Á và chống chịu thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate cũng đã được đưa vào thị trường Việt Nam.

Nông dân Sơn La tìm hiểu giống ngô chuyển gen ở đại lý của Syngenta

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Kumar Datta, Tổng giám đốc Công ty Syngenta Việt Nam cho biết: "Theo thông tư số 29/2014-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật công nghệ sinh học của ngành nông nghiệp, công nhận đặc cách giống cây trồng biến đổi gen được tạo ra từ giống cây trồng có tên trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là giống nền) có chứa một hoặc tổ hợp một số sự kiện chuyển gen đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi được xem xét công nhận đặc cách nếu giống cây trồng biến đổi gen đã được khảo nghiệm so sánh với giống nền đồng thời với khảo nghiệm đánh giá rủi ro.

Giống chuyển gen NK66Bt/GT của Syngenta là giống đầu tiên và duy nhất tại thời điểm này đáp ứng đủ các điều kiện trên nên đã được Bộ NN&PTNT xét công nhận đặc cách để đưa vào thương mại tại Việt Nam. Các giống khác hiện đang được tiến hành khảo nghiệm so sánh tính tương đồng và sẽ được xem xét công nhận để thương mại sau khi đáp ứng đủ các điều kiện của Thông tư số 29/2014-BNNPTNT".

Cũng theo ông Kumar Datta, trong năm đầu tiên, Syngenta sẽ không chú trọng vào hoạt động thương mại thúc đẩy kinh doanh mà sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho việc chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô chuyển gen đến tận tay nhà nông, sát cánh với họ cùng trải nghiệm trên đồng ruộng để đảm bảo nông dân hiểu rõ lợi ích khác biệt giữa giống chuyển gen và giống thường, nắm bắt được kỹ thuật canh tác và thực hiện một cách bài bản để phát huy tiềm năng năng suất của giống chuyển gen, mang lại hiệu quả cao nhất. Để làm được điều này, trong năm nay, tại các tỉnh thành trong nước, Syngenta đã và đang xây dựng hàng trăm điểm trình diễn với tổng diện tích các mô hình lên tới trên 54ha trải dài tại các vùng trồng ngô trọng điểm, các điểm này sẽ thu hút đông đảo bà con đến tham gia hội thảo tập huấn nhằm nắm rõ quy trình, kỹ thuật canh tác ngô chuyển gen.

"Riêng tại các tỉnh Sơn La, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận nơi chúng tôi tập trung giới thiệu giống chuyển gen lần đầu này sẽ có hàng chục ruộng trình diễn, lớp tập huấn cho nông dân và tư vấn kỹ thuật cho đại lý bán hạt giống. Trong khoảng thời gian này chúng tôi dự kiến sẽ có trên 10.000 nông dân được trực tiếp tiếp cận với kỹ thuật canh tác và trong năm nay khoảng gần 24.000 nông dân cũng sẽ được làm quen với kỹ thuật thông qua các buổi hội thảo và hướng dẫn đầu bờ", ông Kumar Datta nói.

Được biết, hàng năm Syngenta đầu tư khoảng 1,4 tỉ đôla vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nhằm đem lại những sản phẩm và giải pháp ưu việt mang lại giá trị và lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Hạt giống chuyển gen là một sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt có thể giúp nông dân nâng cao sản lượng, bảo vệ năng suất tiềm năng của giống, giảm thiểu rủi ro trong canh tác và giúp cho nông sản có chất lượng cao hơn. Điều này rất quan trọng đối với một nền nông nghiệp bền vững. Khi giới thiệu công nghệ mới này vào Việt Nam, Syngenta đảm bảo sẽ đặt lợi ích của người nông dân Việt Nam lên hàng đầu bằng cách giúp họ nâng cao thu nhập và gia tăng tỷ suất lợi nhuận trên số tiền đầu tư vào canh tác.

Ngoài khả năng kháng sâu đục thân châu Á và chống chịu thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất Glyphosate, Syngenta còn đưa thêm công nghệ xử lý hạt giống bằng Cruiser vào cho mỗi hạt giống ngô NK66Bt/GT. Đây là giải pháp xử lý hạt giống chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, giúp phòng trừ sâu xám hại cây con, giảm thiểu sự mất cây, giúp đảm bảo mật độ số cây ngô cũng như tăng cường sức sống, phát triển bộ rễ ngô giai đoạn đầu làm tiền đề cho năng suất.

"Một yếu tố quan trọng nữa cần được tính đến là những giá trị vô hình không thể hiện ở số tiền người nông dân đầu tư cho hạt giống mà thể hiện ở sự an tâm của nhà nông khi ruộng ngô sạch sâu, sạch cỏ, ở khoảng thời gian tiết kiệm được từ canh tác thuận lợi được dùng cho những việc khác nhằm nâng cao chất lượng sống của họ, và đó chính là một giá trị có ý nghĩa vượt lên trên cả giá trị về kinh tế khi hạt giống này được bà con lựa chọn. Một bằng chứng rất sống động cho hiệu quả của việc canh tác ngô biến đổi gen là trong hơn 19 năm qua kể từ khi lần đầu tiên cây ngô biến đổi gen được đưa vào thương mại diện tích của nó liên tục tăng và đến nay diện tích này đã tăng gấp hơn 100 lần. Người nông dân sẽ không bao giờ chịu bỏ ra chi phí cao hơn nếu họ không thu về được hiệu quả kinh tế tốt hơn", ông Kumar Datta khẳng định.

Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo