Nhờ biết áp dụng kỹ thuật tốt nên bà con nông dân ở miền Bắc thường đạt năng suất lúa thấp nhất cũng được 150 - 160 kg/sào Bắc bộ (khoảng 4,2 - 4,4 tấn/ha cho đến 300 kg/sào (khoảng 8 tấn/ha).
Nhưng lời ròng thu được cũng chỉ đạt khoảng 150.000 - 500.000 đ/sào (trên 4 triệu đến 13,9 triệu đ/ha).
Ở các tỉnh ĐBSCL khi tính hiệu quả kinh tế thì cũng phản ánh bức tranh như vậy. So sánh với các cây trồng khác hay nuôi trồng thủy sản thì trồng lúa vẫn kém hiệu quả hơn nhiều.
Chính vì vậy mà các nhà kinh tế thường nói rằng không nên trồng lúa mà chuyển sang các cây con khác. Nông dân cũng muốn như vậy. Nhưng do chưa tìm được cây gì chịu được sinh thái ngập nước như lúa mà có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ có một số vùng đất có thể luân canh 1 vụ ngô với lúa, có năng suất khá tốt, nhưng do giá thành còn quá cao nên vẫn chưa cạnh tranh nổi với giá ngô nhập nội.
Trước hết ta có thể tập trung tìm cách thay thế một phần đất lúa ở vùng quá khó khăn, năng suất thất thường. Nhưng cây gì hay con gì lắp vào vùng đất như vậy cũng là bài toán không dễ có đáp số bởi đầu ra còn chưa ổn định.
Bởi vậy trước mắt là cần phải tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa cho người SX. Các giải pháp nâng cao hiệu quả cho đất trồng lúa, tựu trung lại có mấy điểm: Giảm chi phí đầu vào; Nâng cao năng suất lúa; Giải quyết tốt đầu ra và Nhà nước cần có chính sách hợp lý.
1/Về biện pháp làm giảm giá đầu vào: Giá vật tư thiết yếu cho ngành trồng lúa đều phụ thuộc giá cả thị trường. Để khống chế chi phí các loại vật tư này, người trồng lúa cần thực hiện kỹ thuật "1 phải 5 giảm" tốt hơn. Trong đó về lượng giống gieo cần từng bước giảm xuống nhiều hơn nữa. Nông dân miền Bắc chỉ sạ lúa với liều lượng 36 - 40 kg giống/ha là hợp lý. Ở ĐBSCL chưa yêu cầu làm theo mức này. Nhưng cố gắng giảm xuống đến mức còn 70 - 80 kg giống/ha.
Tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 7,3 triệu ha, chỉ cần mỗi ha giảm xuống 50 kg giống, mỗi vụ tiết kiệm được 365.000 tấn giống. Sử dụng phân và thuốc theo tiêu chuẩn "4 đúng". Tăng cường sử dụng phân trộn để vừa cân đối vừa đơn giản và giảm thiểu công mang vác,công bón, lại không thừa phân gây thêm ô nhiễm môi trường mà nông sản kém an toàn. Cần tăng cường sử dụng công cụ cơ giới cho tất cả các khâu SX.
Theo tính toán của nông dân Châu Thanh Liêm ở Sóc Trăng thì gặt đập bằng máy, mang thóc đến bờ Kênh rẻ hơn thu hoạch bằng tay, bình quân 700.000 - 2.200.000 đ/ha (công gặt máy 280.000 đ/1.000 m2 còn gặt bằng tay dao động từ 350.000 - 500.000 đ/1.000 m2 tùy địa hình). Phần lớn là gặt máy rẻ hơn gặt tay bình quân 1.500.000 -2.000.000 đ/ha. Ngoài ra gặt máy lúa thất thoát ít hơn, nhanh hơn, dễ tránh được mưa gió tốt hơn.
2/Để nâng cao năng suất lúa: Giống vẫn là khâu quan trọng. Phải cố gắng thực hiện tiêu chí “1 phải” triệt để. Theo một nghiên cứu điều tra gần đây thì số nông dân sử dụng giống xác nhận còn rất ít. Trên 80% người trồng lúa sử dụng giống tự để hay trao đổi với nông dân hàng xóm, hoặc mua giống trôi nổi. Chỉ cần 80 - 90% nông dân được sử dụng giống xác nhận theo đúng nghĩa thì có thể đảm bảo năng suất lúa tăng lên ít nhất là 5 - 10%.
Ngoài ra sử dụng phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp tốt, quản lý sâu bệnh tốt sẽ đảm bảo năng suất lúa có thể vẫn tăng đều hay ít ra là ổn định cho các vụ (trong chương trình cánh đồng mẫu lớn, sử dụng loại và lượng phân theo hướng dẫn như phân NPK Hiệu Đầu Trâu, bình quân thu lợi 2 - 3 triệu đồng/ha so với phương pháp sử dụng phân của nông dân). Do đó cần phải vận dụng nhiều giải pháp để giảm bớt chi phí đầu tư thì mới tăng lợi nhuận cho ngành trồng lúa được.
3/Vấn đề giá đầu ra: Giá đầu ra của sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung và cầu lương thực trên thế giới và trong nước. Người trồng lúa nếu áp dụng tốt các khâu như sử dụng giống xác nhận, bón phân và phun thuốc theo phương pháp "4 đúng", gặt đập, phơi sấy và bảo quản đúng phương pháp cũng đã góp phần nâng cao giá trị của hạt gạo rất đáng kể.
Ngày nay khách hàng trong và ngoài nước đang ngày càng cần nhiều gạo có chất lượng ngon. Vì vậy, trồng những giống có chất lượng gạo ngon cũng là biện pháp làm giá lúa SX ra có giá trị cao hơn.
4/Chính sách của Nhà nước và liên kết "4 nhà": Khẩu hiệu liên kết được nêu ra từ lâu. Nhưng hiện nay vẫn có rất ít mô hình cụ thể để cho bà con nông dân học tập. Việc đưa nông dân vào guồng máy SX lớn là nhiệm vụ của Nhà nước và cũng chỉ có nhà nước mới có đủ sức và đủ tầm để điều hành và thực thi.
Tất cả các loại chính sách về nông dân, nông thôn đều có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành SX lúa gạo. Việc quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn,quy định hạn điền, quyền sử dụng ruộng đất dài hạn và ổn định cũng đều là đòn bẩy thúc đẩy SX nông nghiệp trong đó có ngành SX lúa gạo.
GS. Mai Văn Quyền