Nông nghiệp 4.0 là cú huých cho tái cơ cấu ngành
10:38 - 03/11/2017
“Nông nghiệp 4.0 là xu thế của thời đại đã được sự lựa chọn của nhiều quốc gia”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội)

Theo bà Lan, Việt Nam muốn hay không cũng không thể đứng ngoài xu thế sản xuất nông nghiệp mang tính toàn cầu này. Trên thực tế, nông nghiệp 4.0 đã và đang tạo động lực mới, nguồn lực mới, áp lực mới cho phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn cầu. Nông nghiệp 4.0 chính là tập trung chủ yếu và sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô.

Khác với nông nghiệp công nghệ cao là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại. Nông nghiệp 4.0 còn làm thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác tự động hóa mà người lao động, người quản lý không nhất thiết phải có mặt trực tiếp ở nông trại. Nông nghiệp 4.0 còn thúc đẩy hình thành và phát triển các chuỗi liên kết tạo ra nông  sản hàng hóa theo chất lượng năng suất đã được lập trình. Tiêu hao ít vật tư và tài nguyên, nhờ thế nông sản có giá trị gia tăng cao và nền sản xuất thân thiện với môi trường. Đây chính là cú huých cho công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nước ta rất đa dạng về các hệ sinh thái, về nông nghiệp, vì thế cũng rất đa dạng về nông sản phẩm. Vì vậy, cần chọn ra các loại cây con các vùng miền, các ngành hàng có các lợi thế để ứng dụng nông nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Tránh làm theo phong trào, tránh làm để trình diễn. Chúng ta có cơ sở hạ tầng, cũng như công nghệ thông tin ứng dụng trong nông nghiệp còn chưa phát triển. Trình độ lao động phân hóa cao, có nơi đã áp dụng các thành tựu của công nghệ 4.0 vào thực tiễn sản xuất. Vẫn có nơi còn chọc lỗ bỏ hạt, quy mô  nhìn chung nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, thương mại điện tử còn chưa phát triển thì việc tỉnh táo lựa chọn đúng quy mô, đúng ngành hàng, đúng địa điểm, phù hợp với trình độ, làm chủ công nghệ của người dân, đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo hiệu quả đầu tư và năng suất lao động chất lượng cao là rất quan trọng. Tránh bị động, bị cuốn vào guồng quay thị trường và công nghệ do nước ngoài đạo diễn và làm chủ.

Nông nghiệp 4.0 có thể tránh được sự phụ thuộc về thời tiết, khí hậu lại bị phụ thuộc về công nghệ, về thị trường, về vật tư, thiết bị và giống, nước ngoài. Nếu chúng ta không thận trọng và không có cách làm phù hợp thông minh thì nông dân tiếp tục là người làm thuê trên chính đồng đất của họ. Nền nông nghiệp gia công tiếp tục tồn tại, phần lớn giá trị gia tăng của nông sản bị chuyển ra nước ngoài chứ không ở lại với người nông dân, với ngành nông nghiệp của chúng ta như được thiết kế và mong đợi.

Do đó, để ứng dụng nông nghiệp 4.0, trước hết cần đặt ra từng nội dung cụ thể với đối tượng và công nghệ cụ thể, có chiến lược triển khai căn cơ, cụ thể hiệu quả hơn các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay nông nghiệp hữu cơ trước đây. Trong đó việc đánh giá đúng tiềm năng phát triển nông nghiệp 4.0 là điều kiện tiên quyết, vì việc xây dựng và phát triển nông nghiệp 4.0 sẽ liên quan trực tiếp và tức thời đến việc làm, thất nghiệp một bộ phận lớn dân số vừa do tự động hóa, vừa do hàng triệu lao động sẽ không thể bắt kịp công nghệ mới. Trong khi nền công nghiệp và dịch vụ của chúng ta chưa đủ sức hấp thụ hết số lao động nông nghiệp dư thừa ở nông thôn.

Cần từng bước tiếp nhận và làm chủ nền nông nghiệp 4.0 cho từng ngành hàng hài hòa cả công nghệ của các giai đoạn trước như nông nghiệp 3.0, tự động hóa, thậm chí cả công nghệ của nền nông nghiệp 2.0 cơ giới hóa. Đồng thời, phát huy các thế mạnh, các kiến thức bản địa, cây con bản địa, những cái này mới thực sự là của chúng ta, đầu tư xứng tầm để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở gắn kết, hỗ trợ và bổ sung lẫn nhau giữa nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp truyền thống, kiến thức địa phương, cây con địa phương với công nghệ và kỹ thuật của nông nghiệp 4.0, làm tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Để việc chủ động tiếp nhận và ứng dụng nông nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, một điều kiện tiên quyết là đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để họ có thể làm chủ công nghệ ngoại nhập và sáng tạo ra các công nghệ mới. Để việc thực hiện việc này phải đổi mới phương thức nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cả cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và lao động nông nghiệp. Gắn đào tạo với thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân, cho các doanh nghiệp nông nghiệp, cho các vùng sản xuất nông nghiệp. Trong đó tập trung cho đào tạo dài hạn các lĩnh vực then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý cho các trường đại học. Đào tạo nông dân là việc của doanh nghiệp hợp tác với các nhà trường.

Phát triển công nghiệp 4.0 gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu để tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Nhưng không được phép nóng vội, cần phải quan tâm đến sự đồng bộ về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, tài chính, nguồn nhân lực, có đủ trình độ để tiếp nhận và làm chủ công nghệ.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo