Chương trình sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu: Thắng lợi rực rỡ
10:38 - 03/11/2017
Ý tưởng này được chứng minh ngay chương trình “Từ ruộng vườn đến trường quay” do Công ty CP Phân bón Bình Điền tài trợ, phối hợp với đài VTV Cần Thơ tổ chức trong vụ ĐX 2015 - 2016 trên 13 tỉnh ở ĐBSCL.
Ảnh minh họa

Mỗi tỉnh có 5 nông dân tham gia. Kết thúc chương trình có 65 nông dân đã nhận rõ: Dù chưa giảm giống gieo sạ, chỉ mới sử dụng phân chuyên dùng cho lúa hiệu Đầu Trâu và áp dụng các biện pháp kỹ thuật hợp lý thì đã tiết giảm được 29% đạm (63kg/ha). So với kỹ thuật của nông dân, ruộng mô hình năng suất cao hơn đối chứng đến 754kg thóc/ha.

Như vậy, bón phân Đầu Trâu đã có tiền lời cao hơn đối chứng là 7.760.000 đ/ha (cao hơn 32,4%). Tổng số tiền lời của mô hình thu được là 31.719.000 đ/ha, hay 67,6%; còn ruộng đối chứng tỷ lệ lời ít hơn cũng được 40,7%, nhưng cũng thu được 23.954.000 đ/ha trong vòng 3,5 tháng.

Từ kinh nghiệm này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hơp với Công ty Bình Điền tổ chức chương trình “Sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu” cũng thực hiện rộng khắp 13 tỉnh ở ĐBSCL, bắt đầu từ vụ HT 2016.

Tiêu chí của chương trình là thuyết phục nông dân giảm giống sạ, phân bón và thuốc sâu, tiết kiệm nước và áp dụng đồng bộ các kỹ thuật. Ngay từ khi khởi động, các nông dân tham gia trong mô hình không khỏi lo ngại về tiêu chí giảm giống sạ còn 80kg/ha.

Để người tham gia yên tâm, Bình Điền đã hỗ trợ toàn bộ các loại vật tư cho chương trình cả 13 tỉnh. Tuy vậy, có nơi nông dân tự gieo sạ thêm giống trong mô hình cho đủ 100kg, và hàng ngày ra đồng theo dõi số chồi lúa đẻ để xem sạ 80kg thóc có đáng tin để có năng suất cao không.

Tổng kết vụ HT 2016, so với ruộng nông dân gieo sạ bình quân 145kg giống/ha, thì làm theo mô hình đã tiết kiệm được 65kg thóc, giảm được 34% đạm (61kg/ha), tổng chi phí giảm được 1.101.000 đ/ha; đồng thời giá thành giảm so với đối chứng 420 đ/kg thóc. Nhờ vậy bình quân ruộng mô hình trong 13 tỉnh đã có năng suất lúa cao hơn kỹ thuật của nông dân (sạ dày, bón nhiều phân) là 496kg thóc/ha, và lời cao hơn ruộng đối chứng là 3.660.000 đ/ha.

Ruộng nông dân có tỷ lệ lời thu được 44%, còn ruông mô hình là 52%. Như vậy mặc dù vụ HT 2016 hạn sớm và kéo dài, nước mặn dâng sâu nhiều tỉnh phải gieo sạ trễ 1 tháng, sau khi sạ nhiều mô hình lúa bị chết. Từ thực tế tự tay làm nên các nông dân trong mô hình và bà con lân cận đã tin cậy là có thể giảm giống gieo sạ 80kg cũng như giảm số lượng phân xuống hơn nữa.

Tuy nhiên, chương trình đã kéo dài thêm 2 vụ gồm vụ ĐX 2016-2017 và vụ HT 2017 để có nhiều người hơn nữa được tiếp cận với kỹ thuật. Cả 2 vụ này biến đổi khí hậu vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy kết quả thực hiện rất tốt, nhờ bà con giác ngộ đã giảm giống sạ xuống 50kg/ha cho cả 5 mô hình. Bình quân giống sạ của mô hình cả 13 tỉnh còn 73kg/ha. Nhưng ruộng đối chứng của 65 nông dân vẫn sạ 141kg/ha. Vậy làm theo mô hình trong vụ ĐX tiết kiệm được 68kg thóc/ha và giảm được 26% đạm (66kg/ha). Năng suất lúa của mô hình cao hơn đối chứng 775kg/ha (tăng 11,5%). Ruộng mô hình lời hơn đối chứng 7.091.000 đ/ha (ruộng đối chứng lời 48,4%, còn ruộng mô hình lời 55,7%).

Sang vụ HT 2017, người tham gia mới nên bà con chưa chịu giảm lượng giống sạ, vẫn sạ 150kg thóc/ha. Vì vậy, so với mô hình bà con vẫn lãng phí đến 70kg thóc giống. Trong vụ này, có đến 15 mô hình. Vì có 2 tỉnh vụ ĐX không làm được, nên Bến Tre và Cà Mau, mỗi tỉnh có thêm một mô hình. Vì vậy, ruộng mô hình vẫn tiết kiệm so với đối chứng được 62kg đạm/ha. Nhưng còn 3 tỉnh vẫn sử dụng lượng phân cao là Trà Vinh, Vĩnh Long và An Giang đã dùng từ 140 - 144kg đạm/ha. Số tỉnh dùng ít đạm hơn, dưới 100kg/ha là Bạc Liêu, Cần Thơ và Long An.

Như vậy, trồng lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu khá phức tạp, kể cả 2 vụ ĐX và vụ HT với kỹ thuật của nông dân có tiền lời từ 42 - 48,4%. Nếu làm theo mô hình thì lời lên tới từ 52 - 67% mà lại giảm giống, giảm phân và giảm số lần phun thuốc trừ cỏ.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo