Trong những ngày này, TP. Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Yên Bái… tiếp tục dồn sức khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra nhằm mau chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
|
Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng quà bà con vùng lũ xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Hà Nội Mới |
Hà Nội: Hỗ trợ tối đa người dân vùng ngập úng
Chiều 17/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Mỹ Đức.
Lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết huyện đã hỗ trợ nhân dân các xã vùng ngập 4.243 bình nước sạch; 3.033 thùng mỳ ăn liền; 30.000 liều thuốc tiêu hóa, cảm cúm; 180 kg thuốc tẩy trùng, xử lý nước sinh hoạt…
Trực tiếp đến thôn Phú Hiền (xã Hợp Thanh) đang bị nước lũ cô lập, lãnh đạo Thành phố yêu cầu huyện Mỹ Đức điều chuyển ngay 10 chiếc thuyền đến các xã đang bị cô lập, hỗ trợ nhân dân giải quyết các khó khăn về giao thông, đưa học sinh trở lại trường. Huy động tối đa máy bơm tiêu giảm úng ngập trong khu dân cư, khu sản xuất; tiếp tục thành lập các đoàn cứu trợ nhân dân vùng bị cô lập…
* Tại huyện Chương Mỹ, chiều 17/10, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đến xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến.
Tính đến chiều 17/10, xã Tân Tiến còn 367 hộ bị ngập từ 0,8 m đến 1,2 m; xã Nam Phương Tiến còn 530 hộ dân bị ngập nước; nhiều diện tích hoa màu, cây ăn quả, nơi nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ.
Tại đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu ngay khi nước rút, huyện Chương Mỹ cần có phương án hỗ trợ cây, con giống để nhân dân khôi phục sản xuất; sửa chữa và nâng cấp ngay các đoạn đê xung yếu. Ngay sau khi nước rút, phải nhanh chóng xử lý môi trường, vệ sinh trường học để học sinh sớm được đến trường...
Đoàn công tác đã trao 400 thùng mỳ ăn liền, 400 thùng nước uống, 400 đèn pin, 5.000 gói bột canh, 50 bồn nước, 1 tấn gạo cho nhân dân 2 xã nói trên.
Hòa Bình: Huy động nhân lực, phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ
Trong những ngày qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã huy động hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (quân đội, công an) cùng 200 máy xúc, xe chuyên dụng và ô tô tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Về công tác tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở đất ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, chiều 17/10, lực lượng chức năng đã tìm thêm được thi thể 2 nạn nhân.
Như vậy đến nay, thi thể 16/18 nạn nhân trong vụ lở đất xảy ra sáng 12/10 đã được tìm thấy. Hiện lực lượng ứng cứu vẫn đang tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân còn lại.
Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ người dân 500 thùng mì tôm, 70 thùng lương khô, 1.000 chai nước lọc. Sở Y tế cấp 250.000 viên Cloramin B, 50 bộ cơ số thuốc, 200 phao tròn cứu sinh, 200 áo phao cứu sinh…
Thanh Hóa: Khẩn trương hỗ trợ người dân, khôi phục sản xuất
Ngày 17/10, tại huyện Cẩm Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền yêu cầu địa phương tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm sạch nguồn nước; tránh không để xảy ra dịch bệnh sau lũ.
Bên cạnh đó, khẩn trương khôi phục sản xuất, gieo trồng lại vụ Đông với những cây trồng chủ lực (ngô, ớt, rau màu). Về chăn nuôi, phát triển lại đàn gia súc, gia cầm.
Xem xét các phương án hỗ trợ để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời khắc phục, sửa chữa lại hạ tầng giao thông, hệ thống trường, lớp học…
Cùng ngày, tại huyện Bá Thước, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn yêu cầu huyện khẩn trương ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân, không để bà con thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước uống. Tập trung dồn sức chỉ đạo khắc phục hệ thống giao thông, cột điện bị hư hỏng; làm sạch môi trường.
Trước mắt, làm các công trình tạm cho những hộ dân bị mất nhà để họ có nơi ăn ở.
Cũng trong ngày 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất chủ trương về chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Theo đó, hỗ trợ 10 triệu đồng đối với gia đình có người chết; 5 triệu đồng cho gia đình có người đang bị mất tích; hỗ trợ từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng cho người bị thương; hỗ trợ 25 triệu đồng cho 1 nhà bị sập…
Tại Yên Bái, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ vẫn đang được nỗ lực tiến hành.
Trong số 1.905 nhà bị thiệt hại có 79 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 108 nhà phải di dời khẩn cấp do sạt lở, lũ quét.
Đến nay, các huyện đã tìm được đất ở cho 53/79 hộ nhà bị sập, trôi hoàn toàn và tìm đất được đất ở cho 73/108 hộ phải di dời khẩn cấp.