Nhanh chóng xóa 'rau hai luống, lợn hai chuồng'
17:29 - 02/11/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần nhanh chóng nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn tiến tới xoá bỏ tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
 

Chiều 19/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm các ruộng rau tại các xã Yên Phú, Việt Cường (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) và trò chuyện với nhiều hộ nông dân.
 

Chị Phạm Thị Mây ở thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú, cho biết thu nhập từ trồng rau cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thu nhập từ mỗi sào rau đạt 15-30 triệu đồng tuỳ vụ.
 

Vợ chồng chị đã tham gia một số lớp tập huấn về trồng rau an toàn trực tiếp trên mô hình. Tuy nhiên để canh tác theo đúng quy trình rau an toàn thì người dân gặp khó khăn về vốn để xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiêu, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Vì vậy, nhiều hộ trồng rau như nhà chị Mây mới áp dụng một phần quy trình VietGAP. Ngay tại nhiều ruộng rau của xã Yên Phú vẫn còn không ít vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất.
 

Chủ tịch xã Yên Phú Hoàng Hữu Hùng cho hay thói quen canh tác của người dân bắt đầu thay đổi cách đây khoảng 10 năm sau khi xã triển khai tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn ở từng thôn theo chương trình IPM, VietGAP. Từ những nông dân đầu tiên, thói quen canh tác rau an toàn đã lan toả ra cả xã Yên Phú. Bản thân người dân nhận thức rất rõ về lợi ích của việc sản xuất rau an toàn đối với việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt với sự thay đổi thời tiết thất thường như hiện nay, nếu áp dụng mô hình rau an toàn sẽ giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
 

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hưng Yên ngay tại xã Yên Phú, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại nhiều địa phương đã có chuyển biến. Tình trạng sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc trừ sâu tuỳ tiện trong canh tác rau quả đã giảm. Hiện tượng rau để ăn, rau để bán đã bớt đi.
 

Đây là kết quả có được từ sự tập trung chỉ đạo của các cấp, sự quyết liệt từ chính quyền địa phương. Các quy định xử lý vi phạm VSATTP ngày càng nghiêm khắc. Công tác tuyên truyền, vận động, giám sát được tăng cường với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội đã thay đổi nhận thức của nông dân.
 

“Nhận thức của người dân và xã hội đối với ATTP đã có. Đây là thời điểm rất tốt để triển khai chương trình vận động, hướng dẫn người dân sản xuất rau, thực phẩm an toàn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà cả trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội. Thực phẩm làm để ăn sạch như thế nào thì bán ra thị trường như vậy”, Phó Thủ tướng nói.
 

Là một tỉnh cung cấp lượng thực phẩm lớn cho TP. Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên Nguyễn Văn Doanh cho biết vấn đề VSATTP được địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện Hưng Yên đã xây dựng được trên 10 mô hình sản xuất rau quả, thực phẩm an toàn.
 

“Hưng Yên có 145 xã nhưng mới có khoảng 10 xã xây dựng được mô hình, vùng rau an toàn. Làm sao đẩy nhanh hơn việc nhân rộng các mô hình này ra toàn tỉnh”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết trong thời gian tới địa phương sẽ đẩy nhanh hơn việc nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch với 4 đầu việc chính. Đó là vận động các hộ nông dân ký cam kết để giám sát lẫn nhau. Thực hiện thu gom, tiêu huỷ vỏ, bao bì hoá chất, thuốc trừ sâu. Thành lập các tổ vay vốn hỗ trợ sản xuất thực phẩm an toàn. Tổ chức tập huấn cho nông dân trên cơ sở mô hình đang triển khai.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Hưng Yên góp phần vào sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm VSATTP của cả nước.
 

Quản lý nhà nước về VSATTP đã siết chặt hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng. Hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường với sự tham gia của Mặt trận tổ quốc, mới đây Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát về vấn đề này. Công tác tuyên truyền, vận động không chỉ trên phương tiện truyền thông đại chúng mà có sự tham gia của các đoàn thế, kể cả chức sắc tôn giáo.
 

Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Chuyển biến tốt thì mừng nhưng không dừng ở đây được. Chúng ta đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn nhưng chưa được nhân rộng. Việc sản xuất thực phẩm từ quy mô DN đến hợp tác xã, hộ gia đình nhỏ lẻ vẫn còn tình trạng “rau bẩn, lợn bẩn, gà bẩn”. Phải đặt mục tiêu trong thời gian ngắn nhất có thể, bằng mọi biện pháp, từ kết hợp quản lý nhà nước đến vận động tuyên truyền, tập huấn để ở mọi quy mô không còn sản xuất thực phẩm bẩn.
 

Phó Thủ tướng phân tích 4 điểm thuận lợi để đẩy nhanh việc nhân rộng mô hình sản xuất thực phẩm sạch. Trước hết sự vào cuộc của toàn xã hội, của công luận, người dân có ý thức hơn về trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm liên quan đến cả sức khỏe lẫn chất lượng nòi giống. Khuôn khổ pháp lý về VSATTP đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều mô hình khác nhau về sản xuất thực phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn đã được kiểm chứng. Quan trọng nhất là sự vào cuộc giám sát của Quốc hội, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…
 

“Kinh nghiệm đã có, mô hình đã rõ thì phải có biện pháp đẩy nhanh nhân rộng mô hình tốt trên cả nước. Tới đây Chính phủ sẽ có chương trình phối hợp với đoàn thể chính trị-xã hội để thực hiện mục tiêu này.
 

Tinh thần là phải sản xuất thực phẩm an toàn, không còn rau hai luống, lợn hai chuồng. Làm được như vậy không chỉ rau sạch, thịt sạch mà môi trường sống ở nông thôn cũng sẽ tốt hơn. Nếp nghĩ, cách làm của mỗi người cũng tốt đẹp hơn, đúng với đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Phó Thủ tướng nói.


 


 

Nguồn: Chính Phủ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo