Đó là các kiến nghị đáng chú ý tại hội thảo “Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức ngày 4.4, tại Bắc Giang.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
TS Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trong những năm qua ngành chăn nuôi gia cầm có sự phát triển rất khá, đáng chú ý là năm 2016 có sự tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây với trên 6% về sản lượng thịt và trên 7% về sản lượng trứng. “Năm 2016 Việt Nam có sản lượng thịt gia cầm sản xuất đạt khoảng 1,7-1,8 triệu tấn và trở thành một trong 10 nước sản xuất thịt gia cầm lớn nhất thế giới. Song chúng ta chủ yếu chỉ tiêu thụ lượng thịt đó trong nước, kèm theo các sản phẩm nhập khẩu khá lớn đã làm cho cung vượt cầu dẫn đến giá sản phẩm cuối năm 2016 gần như xuống đáy, khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng nề” – ông Vân chia sẻ.
|
Chăn nuôi gà ở xã Thanh Vân (Tam Dương (Vĩnh Phúc). Ảnh: T.Q |
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, thuy quy hoạch, sản xuất hàng hóa và có kiểm soát. Đồng thời hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng VietGAP”.
TS Hạ Thúy Hạnh
|
Đứng trước tình hình đó, ông Vân cho rằng, cần phải rà soát, cơ cấu lại sự phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm. “Đầu tiên chúng ta phải xem xét lại quy hoạch không gian, đặc biệt các địa phương nào ở vùng ven đô, đông dân cư thì không nên khuyến khích phát triển gia cầm. Đồng thời chúng ta phải cơ cấu lại con giống, quan điểm của tôi chỉ nên nuôi gà công nghiệp lông trắng duy trì ở mức 28 – 30%. Chúng ta nên chú trọng vào gà lông màu, đặc biệt là gà lông màu đẻ trứng với tỷ lệ thích hợp” – ông Vân nói.
Ông Vân cho hay: “Đã đến lúc chúng ta phải khơi thông lại thị trường xuất khẩu, và nhà nước phải có chiến lược một cách bài bản để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và hướng tới từng thị trường một, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU… Với cách làm như thế thì chúng ta mới tránh được với sự phát triển quá nóng đàn gia cầm dẫn đến không tiêu thụ được và sẽ giúp cân đối được cung – cầu trong nước cũng như ngoài nước”.
Cũng theo ông Vân, để giúp nông dân chăn nuôi gia cầm bền vững, nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu từ các nước, nhất là về chất lượng thịt gia cầm. Đặc biệt phải chặn đứng được việc nhập lậu sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc qua biên giới. Đồng thời chúng ta phải tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân sử dụng các sản phẩm có chất lượng để đảm bảo sức khỏe.
Không chủ quan với dịch bệnh
TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, trong 6 năm (2011 – 2016), trung tâm đã triển khai và quản lý 6 dự án khuyến nông trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm với quy mô trên 1 triệu con, với 9.739 hộ tham gia. Các dự án đã triển khai tập huấn kỹ thuật cho hơn 8.000 lượt người trong và ngoài mô hình, đồng thời tổ chức cho 6.470 tham gia nhân rộng mô hình.
Đề xuất giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững, bà Hạnh cho rằng: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, thuy quy hoạch, sản xuất hàng hóa và có kiểm soát. Đồng thời hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và theo hướng VietGAP. Bên cạnh đó, các địa phương cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào giết mổ, chế biến và bao tiêu sản phẩm gia cầm thì người chăn nuôi mới có thể yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập”.
|
Ông Ken Inui - chuyên gia quốc tế thuộc Tổ chức Nông - lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng: “Do tiếp giáp với Trung Quốc, Việt Nam là khu vực hết sức nhạy cảm với dịch cúm gia cầm và cần sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự bùng phát của dịch. Tuy nhiên, trong năm 2017, chỉ một vài khu vực tại Việt Nam xuất hiện dịch cúm gia cầm và với số lượng gia cầm bị lây nhiễm không đáng kể, hơn nữa cúm A/H7N9 được xác định chưa xuất hiện tại Việt Nam. Qua đó minh chứng rằng Việt Nam là quốc gia thành công trong công tác kiểm soát và ngăn chặn dịch cúm gia cầm.
Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, năm nay tình hình dịch cúm xảy ra ở Việt Nam không nhiều, đến thời điểm này cả nước chỉ ghi nhận có 14 điểm cúm. “Tuy nhiên trong chăn nuôi gia cầm, bà con phải xác định không được chủ quan với dịch cúm, bà con phải chủ động tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng trừ các bệnh dịch nguy hiểm theo quy định. Về phía các địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh thú ý tại các cơ sở chăn nuôi đồng thời tổ chức kiểm dịch các sản phẩm trước lúc xuất chuồng…” – ông Vân nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT Bắc Giang, năm 2016 đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng trên 17 triệu con, trong đó, đàn gà là gần 15 triệu con, thủy cầm trên 2 triệu con. Ông Dương Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, hiện tại tỉnh, mô hình chăn nuôi trang trại đang phát triển nhanh, toàn tỉnh có 270 trang trại chăn nuôi gia cầm, tỷ lệ trang trại, gia trại an toàn sinh học chiếm 30% tổng đàn.
Ông Tùng cho biết, tỉnh luôn đặc biệt chú trọng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ thế mà trong nhiều năm trên địa bàn tỉnh không để xảy ra dịch cúm gia cầm, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.