Còn quá ít cơ sở nông nghiệp hữu cơ
18:21 - 04/04/2017
Ngày 4/4, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp hữu cơ là hướng sản xuất đã có từ lâu. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước đây, vì nhu cầu bảo đảm an ninh lương thực, ngành nông nghiệp phải áp dụng áp dụng các biện pháp canh tác có sử dụng các chất hóa học, vô cơ để tăng được năng suất. Còn hiện nay, khi nhu cầu lương thực đã được tạm ổn, nhu cầu về thực phẩm cũng được nâng cao, không chỉ đủ mà phải ngon và an toàn. Do vậy, nông nghiệp hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Ở nước ta, hiện chỉ có 30/63 tỉnh thành phố triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre có trên 3.000 ha trồng dừa, Ninh Thuận 448 ha trồng nho, táo, rau (riêng nho là 284 ha). Ngoài ra, còn có một số mô hình sản xuất rau hữu cơ ở Lương Sơn (Hòa Bình), Sóc Sơn (Hà Nội), chè Bắc Hà (Lào Cai), cam Hàm Yên (Tuyên Quang)…

Một số doanh nghiệp sản xuất hữu cơ đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu thành công sang EU, Mỹ, Trung Quốc như Công ty Viễn Phú sản xuất lúa lai với 200 ha; Organik Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; Ecolink sản xuất chè…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Vinamilk có đàn bò sữa 500 con, TH True Milk có 1.000 con đã được chứng nhận nuôi bò sữa hữu cơ do Control Union (Hà Lan) cấp... Còn lại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, mất nhiều thời gian để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường không ổn định. 

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng cần sớm hoàn thiện chính sách để người sản xuất nông nghiệp hữu cơ dễ áp dụng thực tế hơn nữa. Thông qua đó cũng có cơ sở để các đơn vị giám sát làm tốt vai trò của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật với những chứng nhận về sản phẩm hữu cơ. Việc hoàn thiện chính sách cũng giúp hạn chế được các hiện tượng sản phẩm hữu cơ “tự phong” của một số doanh nghiệp hiện nay, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Việc quản lí, giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lí sản phẩm hàng hóa hữu cơ phải dựa theo tiêu chuẩn này và Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa với mức xử phạt cao nhất có thể lên tới 500 triệu đồng.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp rà soát lại tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đưa ra những tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ áp dụng hơn với các ngành sản xuất cụ thể như trồng trọt và chăn nuôi. Những hướng dẫn này cũng sẽ dần tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới.

Nguồn: Chinhphu.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo