Người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch năm 2017. Khác hẳn với những niên vụ trước, năm nay giá hồ tiêu giảm mạnh khiến nông dân lo lắng.
Giá thấp nhất trong 5 năm
Bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay, nông dân đứng ngồi không yên bởi giá liên tục giảm. Mới đầu vụ nhưng giá tiêu tại các đại lý ở Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông... chỉ ở mức 95.000 - 100.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với cuối tháng 2 và 50.000 - 60.000/kg so với mức niên vụ trước; đặc biệt, giảm tới hơn 100.000 đồng/kg so với thời điểm năm 2012 (220.000 đồng/kg). Đây là mức giảm sâu nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Đang thu hoạch tiêu, gặp chúng tôi, anh Nguyễn Lương Phúc ở thôn 6, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) ngừng tay chia sẻ: “Hồ tiêu Tây Nguyên sắp hết thời “hoàng kim”. Nhà tôi có 1ha tiêu đang thu hoạch, năm nay năng suất dự kiến đạt khoảng 3 tấn. Với giá giảm mạnh như hiện nay, tôi mất cả trăm triệu đồng/ha tiền lãi so với niên vụ trước”.
Điều đáng nói, mặc dù giá hồ tiêu giảm nhưng các đại lý thu mua vẫn gặp nhiều khó khăn. Chị Quỳnh Anh, chủ đại lý thu mua nông sản ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chia sẻ: “Những ngày gần đây, giá hồ tiêu ở Tây Nguyên liên tục giảm, có thời điểm mỗi ngày một giá khác nhau. Trước đây, khi giá cao, chúng tôi mua nhanh, bán nhanh, riêng năm nay rất khó thu mua bởi nhiều hộ “găm” hàng chờ giá lên. Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của tôi, thời gian tới, giá hồ tiêu cũng chẳng mấy khả quan hơn”.
Không những thế, năm nay, hồ tiêu của nhiều hộ ở Tây Nguyên bị chết hàng loạt, cộng với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như chất lượng vườn cây. Cụ thể, tại Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, đã có 2.776ha hồ tiêu bị sâu bệnh gây hại, chiếm 10% tổng diện tích hồ tiêu địa phương; Đắk Nông có 2.349ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 642ha, bệnh chết chậm 852,855ha…
Bài học không mới
Theo dự báo, do nguồn cung dồi dào nên thời gian tới, giá tiêu sẽ tiếp tục giảm mạnh. Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra là, thời gian gần đây, giá tiêu trên thế giới giảm mạnh do sức ép giảm thu mua của các nhà đầu cơ, đồng thời hồ tiêu đang bước vào mùa thu hoạch khiến nguồn cung tăng cao. Bên cạnh đó, do trong một thời gian dài giá tiêu trong nước cao ngất ngưởng, trong khi giá các loại nông sản khác giảm mạnh, nông dân đổ xô trồng tiêu, làm cho diện tích tăng mạnh khiến cho nguồn cung dồi dào nên các nhà đầu cơ, doanh nghiệp ép giá thu mua kiếm lời.
Hiện, diện tích hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên đang tăng nhanh, chỉ trong vài năm gần đây toàn vùng đã tăng 20.000ha. Với diện tích hiện có, so với định hướng phát triển hồ tiêu đến năm 2020, toàn vùng đã vượt quy hoạch hàng chục nghìn hécta; trong đó Gia Lai vượt 10.000ha, Đắk Lắk và Đắk Nông mỗi tỉnh vượt hơn 5.000ha. So sánh với nhiều cây công nghiệp khác, chưa có cây nào có diện tích tăng nhanh trong một thời gian ngắn như vậy.
Chỉ tính riêng tại Đắk Lắk, theo quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh chỉ phát triển đến 16.000ha tiêu, nhưng nay đã vượt 21.000ha, tập trung ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Păk, thị xã Buôn Hồ và nằm rải rác tại một số địa phương khác...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nông dân phát triển ồ ạt cây hồ tiêu là do giá tiêu những năm qua liên tục tăng cao nên người dân đổ xô trồng, dẫn tới thực trạng diện tích hồ tiêu vượt xa quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất của ngành.
Việc diện tích tiêu ở Tây Nguyên tăng mạnh cũng kéo theo nhiều hệ lụy như: Phá vỡ quy hoạch các cây trồng khác, hoặc những người có tiêu trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường, dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học, cây tiêu bị nhiễm sâu bệnh. Hơn nữa, vì lợi nhuận kinh tế, người dân bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt.
Đặc biệt hơn, với việc đổ xô trồng tiêu như hiện nay, điều tất yếu là cung sẽ vượt cầu, dẫn đến giá giảm khiến hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này giảm sút. Hệ lụy tiếp theo là tình trạng suy thoái, bạc màu đất đai do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng có tác dụng ngăn chặn sự trôi rửa của đất. Câu chuyện “trồng - chặt, chặt - trồng” này bộc lộ sự bấp bênh, thiếu bền vững của ngành nông nghiệp.
Cần tổ chức lại sản xuất
Thực tế cho thấy, không ai phủ nhận lợi ích mà cây hồ tiêu mang lại cho kinh tế vùng Tây Nguyên. Hàng nghìn hộ dân đã đổi đời, không chỉ vượt qua đói nghèo, mà còn có thu nhập cao, rất cao, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng/vụ từ sản xuất hồ tiêu.
Nhìn ở mặt tích cực, hồ tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu ở Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững, nhất là diện tích hồ tiêu phát triển quá nhanh, vườn cây được đầu tư thâm canh cao độ, nhiều vườn tiêu bị hủy diệt do sự phá hoại của sâu bệnh… gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay thành nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thuận tiện trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào để không những hạn chế qua khâu trung gian mà còn đảm bảo chất lượng vật tư. Ngoài ra, ngành chức năng cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu; thực hiện thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với ngành khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh, phát triển cây tiêu bền vững.
Đồng thời, ngành chức năng cần chủ trì xây dựng các chỉ tiêu phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực tế thấy, đã có nhiều mô hình hiệu quả, điển hình như mô hình của Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk xây dựng mô hình trình diễn trồng tiêu theo hướng bền vững tại phường Tân Bình (thị xã Buôn Hồ) và xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin). Đây được xem là một trong những mô hình điểm thực hiện mối liên kết “4 nhà” tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao, bền vững gắn với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, cũng cần khuyến cáo người dân không nên lặp lại bài học trước đây chặt bỏ cây trồng khi mất giá trồng loại cây khác đang được thời. Thay vào đó, nên tuyên truyền khuyến khích bà con tập trung đầu tư trồng tiêu sạch, nâng chất lượng hạt tiêu theo hướng bền vững.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích hồ tiêu cả nước hiện vào khoảng 101.000ha; còn số liệu khảo sát của ngành hồ tiêu cho thấy diện tích cây trồng này đã lên 130.000 - 150.000 ha, gấp 3 lần so với diện tích được quy hoạch. Với đà này, trong 3-4 năm tới, sản lượng hồ tiêu Việt Nam sẽ đủ cung cấp cho cả thế giới, khoảng 300.000 tấn.