Sóc Sơn (Hà Nội): Ở lại nông thôn còn kiếm nhiều tiền hơn ra phố
14:36 - 29/03/2017
Đến thời điểm này, xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trước đây, Xuân Giang nằm trong chương trình giảm nghèo cho 8 xã của thành phố. Nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới mạnh mẽ, bộ mặt xã Xuân Giang đã hoàn toàn đổi khác, khang trang và sạch đẹp như phố phường.
Trồng cây dược liệu đang là hướng phát triển mới ở Xuân Giang


Ly nông không ly hương

Theo ông Đỗ Văn Thìn – Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, để nông thôn khởi sắc như vậy là nhờ xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công. “Trước đây, Xuân Giang chỉ là xã thuần nông, bà con sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả không cao. Theo chỉ đạo của huyện, xã đã từng bước chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế, tận dụng những lợi thế của xã như vị trí địa lý gần với tỉnh Bắc Ninh. Xã đã phối hợp với ngân hàng cho vay vốn để người dân liên kết làm đồ gỗ nội thất, đầu tư sản xuất và làm công nhân cho các đơn vị sản xuất ở làng đồ gỗ Đồng Kỵ, Bắc Ninh” – ông Thìn cho hay.

 

Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã rất đảm bảo, hầu như không xảy ra tình trạng trộm cắp, vi phạm pháp luật, do phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đời sống mới được xã phát huy cao nhất. Ở mỗi thôn xóm đều có các quy ước, người lớn làm gương cho trẻ nhỏ. Trước đây khi đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều cháu học sinh phải bỏ học giữa chừng, nhưng nay không còn cảnh ấy. Năm học vừa qua, Xuân Giang có gần 50 em thi đỗ vào các trường đại học”.

Ông Đỗ Văn Thìn

 

Không còn cảnh nhà cửa vắng vẻ vì người trẻ bỏ đi lao động xa, người già phải ra đồng, hiện đường làng, ngõ xóm ở Xuân Giang nhộn nhịp hơn nhiều nhờ những làng nghề, đơn vị sản xuất. Điều này không những giải quyết vấn đề kinh tế, mà còn giúp các lao động trẻ ở địa phương không phải bôn ba khắp nơi đi tìm việc. “Ngày trước, do sản xuất nông nghiệp không thuận lợi, lại không có nghề phụ nên nhiều người phải lặn lội sang Bắc Ninh, Bắc Giang làm công, kiếm thêm thu nhập. Khi đi làm công ở những làng nghề như Đồng Kỵ, người dân cũng học được ít nghề, nhưng lại chẳng có vốn để mở cửa hàng sản xuất. Nắm bắt được nhu cầu người dân, chúng tôi đã hỗ trợ đẩy mạnh cho vay vốn, để người dân tự phát triển đến như hiện nay” – ông Thìn chia sẻ.  Khi số lượng các đơn vị sản xuất càng nhiều lên, xã Xuân Giang cũng tích cực tổ chức các lớp dạy nghề từ các nghề thủ công nghiệp cho tới nông nghiệp để người dân có nhiều cơ hội tìm việc làm.

Phát triển sản phẩm chủ lực

Ngoài việc tăng cường phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, Xuân Giang vẫn là một xã thuần nông nên địa phương xác định tập trung vào dồn điền đổi thửa, tạo vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi để nâng cao giá trị diện tích canh tác.

Năm vừa qua, người tiêu dùng đã bắt đầu làm quen với những quả bưởi da xanh được trồng trên chính đất Xuân Giang. Qua trồng thử nghiệm, ông Chu Văn Linh (thôn Lai Cách) nhận thấy cây bưởi da xanh được lấy giống ở Bến Tre rất thích hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cho ra những quả bưởi có chất lượng ngon không kém. Ông Linh đã chuyển đổi diện tích vườn cây trồng các loại cây tạp sang 200 gốc bưởi da xanh. “Năm vừa rồi mới bói nên mỗi cây chỉ cho cho ra từ 10 – 15 quả, nhưng lại rất được thị trường ưa chuộng, giá lại cao hơn so với quả bưởi Diễn. Mỗi quả da xanh tôi bán ngay tại vườn có giá từ 45.000 – 50.000 đồng. Năm nay, nếu giá cả được ổn định như vậy, chắc chắn gia đình tôi sẽ có thu nhập khá từ loại cây này” – ông Linh cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang chia sẻ thêm: Khoảng 10 năm gần đây, người dân trong xã phát triển khá mạnh cây bưởi Diễn và mới đây là cây bưởi da xanh. Qua nhiều năm trồng thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy chất đất ở đây rất hợp với bưởi Diễn, không thua kém so với bưởi Diễn ở Phú Diễn (Bắc Từ Liêm). Tép bưởi vàng, ráo múi, ngọt và có thể để được 5 – 6 tháng mà không bị hỏng. Năm vừa rồi thương lái đến tận nhà mua bưởi, giá thấp nhất đạt 20.000 đồng/quả.

Xuân Giang cũng đang manh nha với một sản phẩm mới là trồng dược liệu theo hướng hữu cơ. Hiện, xã đã có 5ha trồng cây thìa canh, kim ngân. Theo ông Hòa, phát triển được 5ha dược liệu theo hướng hữu cơ là một thành công lớn của xã trong việc thay đổi tư duy sản xuất của bà con.

“Lâu nay, nông dân chỉ biết trồng cây lúa, cây lạc, năng suất thấp. Cán bộ xã như chúng tôi cũng phải bắt tay vào cuộc với bà con, rồi đưa bà con về Hải Hậu (Nam Định), nơi đã có một vùng chuyên canh sản xuất dược liệu thành công để họ học hỏi. Thấy người ta làm có thu nhập khá, người dân về mới ủng hộ làm theo” – ông Hòa chia sẻ.

Sau 2 năm triển khai, vườn thìa canh, kim ngân, khôi tía phát triển tốt, mang lại niềm vui cho bà con. Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Yên Sào) - thành viên trồng dược liệu cho hay: “So với trồng lạc, ngô, trồng dược liệu vừa nhàn hơn, vừa thu nhập cao hơn, nhất là đầu ra ổn định vì đã liên kết được với đơn vị thu mua. Cứ 3 tháng lại được thu một lần nên người trồng liên tục có lãi”.  

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo