Việc Chính phủ đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III/2017 là tin vui không chỉ cho những người làm nông nghiệp mà còn là tin vui cho hành trình đưa nông sản Việt đến thế giới.
Vướng mắc từ chính sách hạn điền
Muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ cần có nhà kính, nhà lưới, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối thị trường, hay tiến bộ khoa học về cây - con giống, mà còn cần phát triển cơ khí - tự động hóa để có thể khép kín chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, hạn mức giao đất cho nông dân theo quy định với đất lúa cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là không quá 3ha; khu vực ven biển miền Trung, miền Bắc 2ha; còn các loại cây công nghiệp thì từ 10 - 30ha. Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất tối đa là 10 lần hạn mức giao đất, tức quy mô sản xuất lúa tại ĐBSCL có thể đạt mức tích tụ tối đa là 30ha, miền Trung và miền Bắc là 20ha. Ngoài ra, chỉ được chuyển nhượng giữa những người dân trực tiếp sản xuất trong cùng một vùng nông nghiệp và chưa có quy định chuyển nhượng cho doanh nghiệp.
Hiện, bình quân cả nước mỗi hộ có 2,8 mảnh ruộng. Ở miền Bắc, bình quân đầu người chưa đủ 1 sào Bắc Bộ (360m2), rất nhỏ lẻ, manh mún. Đã thế, ruộng mỗi nhà trồng một kiểu, cánh đồng lỗ chỗ, khó đưa hay áp dụng máy móc, công nghệ khiến chất lượng nông sản thấp và không đồng nhất, chưa kể nguy cơ dẫn đến lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Nông dân nhiều nơi không đủ ăn, nhất là người trồng lúa. Ở nhiều địa phương, có hiện tượng đất ruộng để hoang hóa, thậm chí nông dân cho nhau mượn ruộng không lấy tiền khi các công việc ở những ngành nghề công nghiệp, dịch vụ mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn hơn. Nhưng dù ruộng có bị bỏ hoang thì tâm lý giữ cho bằng được ruộng vẫn cố hữu trong suy nghĩ của nhiều nông dân.
An Giang là tỉnh có sản lượng lúa nhất, nhì vùng ĐBSCL, nơi có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhưng nghịch lý là, có đến 75% số hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1ha. Sản xuất nhỏ lẻ khiến họ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì thực tiễn cho thấy, muốn làm giàu, phải có từ 3ha trở lên.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Hiện, quy mô nền nông nghiệp nước ta vẫn nhỏ bé, chủ yếu dựa trên 13 triệu hộ nông dân. Để liên kết được 13 triệu hộ nông dân thì tất yếu phải phát triển lực lượng doanh nghiệp. Thế nhưng, ruộng đất manh mún lại chính là nguyên nhân quan trọng, nếu không phải là quan trọng nhất, khiến doanh nghiệp kém mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Hiện mới có khoảng 4.000 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã. 56.000 tổ hợp tác xã, 29.500 trang trại. Động lực của ngành nông nghiệp chính là số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, nhưng số này còn quá ít. Điểm nghẽn quan trọng nhất để tăng nhanh số doanh nghiệp nông nghiệp là đất đai. Đó là những vướng mắc liên quan đến hạn điền, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc chuyển đổi cây trồng hằng năm từ lúa sang các loại cây khác”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những nơi mà ông từng đi kiểm tra, giám sát thấy, nơi nào nông dân tích tụ được từ vài chục cho đến hàng trăm hecta thì đều có thể sản xuất hàng hóa và hội nhập được; không phải lo ngại việc nông dân mất đất, mất việc làm. Chẳng hạn, tại Hải Dương, có người canh tác 120ha lúa xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, áp dụng cơ khí hóa tất cả công đoạn. Một nông dân khác ở Hưng Yên trồng 120ha chuối cũng xuất khẩu được qua Nhật Bản. Tích tụ ruộng đất sẽ mang lại nhiều cơ hội cho nông dân, giúp thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp.
Phát súng đầu tiên cho bài toán nông nghiệp công nghệ cao
Nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam đầu Xuân Đinh Dậu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một trong những lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất, chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp.
Những năm gần đây, nhiều địa phương táo bạo thực hiện các sáng kiến, giải pháp tích tụ ruộng đất. Bên cạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh ĐBSCL, có thể kể đến mô hình chính quyền cấp huyện, cấp xã đứng ra thuê đất nông nghiệp của nông dân rồi ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại ở Hà Nam. Sau 3 năm triển khai thí điểm tích tụ ruộng đất, Hà Nam đã tích tụ được khoảng 400ha đất nông nghiệp trên cơ sở quy hoạch một số vùng nông nghiệp công nghệ cao tập trung. Đầu năm 2017, Hà Nam đang tích cực triển khai mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất rau, củ, quả làm vệ tinh, liên kết với một tập đoàn lớn trong nước với mục tiêu hình thành các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trên diện tích đất tích tụ.
Cách làm của Hà Nam rất sáng tạo, Tỉnh ủy ra Nghị quyết tích tụ ruộng đất và triển khai thực hiện. Thực tế, chưa có văn bản pháp luật nào quy định chính quyền đứng ra thuê đất nông nghiệp của dân rồi cho doanh nghiệp thuê. Về lâu dài, cần có chính sách coi quyền sử dụng đất nông nghiệp là một thứ hàng hóa, chính quyền tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp thỏa thuận qua các hình thức thuê, góp cổ phần bằng đất, ký gửi đất. Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, cần tạo môi trường thuận lợi nhất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển hiệu quả theo cơ chế thị trường, để nông dân làm giàu với tư cách là chủ mảnh đất của mình.
Ngày 24/2, Tập đoàn TH cũng cho ra mắt khu nông nghiệp công nghệ cao tại Vũ Thư (Thái Bình), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để Thái Bình phát huy kinh nghiệm, truyền thống sẵn có, vươn lên trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị tỉnh cần chủ động được quỹ đất cho đầu tư phát triển, trong đó cần chủ động tuyên truyền, thuyết phục bà con nông dân để tập trung ruộng đất, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tham gia các hợp tác xã nhằm phát triển sản xuất.
Ông Đinh Vĩnh Thuỵ, Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, chia sẻ: Toàn bộ diện tích đất của dự án của TH được UBND các xã đứng ra thuê lại của nông dân. So với canh tác cũ, sản lượng nông dân thu hoạch được sau khi đã trừ chi phí là 50 – 60kg/sào/vụ thì nay Tập đoàn TH sẽ trả 120-150kg/sào/vụ. Như vậy, nông dân không cần canh tác, không phải lo rủi ro của thiên nhiên mà vẫn đạt năng suất gấp đôi. Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho 1 lao động tham gia sản xuất tại các dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn. Cũng từ đó, đời sống và tri thức của người dân cũng sẽ nâng cao.
Theo ông Thuỵ, UBND tỉnh đã chủ động quy hoạch những khu đất liền vùng liền thửa có diện tích lớn. Riêng tại huyện Vũ Thư, chính quyền địa phương đã sẵn sàng bàn giao những khu đất nông nghiệp sạch liền vùng, liền thửa rộng tới 500ha.
Chính phủ thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, nêu rõ: Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm 2017; nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng trong tháng 3 năm 2017.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về công nghệ cao theo hướng phù hợp với thực tiễn, có tính đến đặc thù của ngành nông nghiệp. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường; tích cực đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.
Ngoài ra, để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí xác định nông nghiệp sạch, ban hành trước ngày 15/3/2017.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai chương trình tín dụng này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tháng 3/2017.