Đồng Nai: Cần giải pháp bền vững cho người trồng chuối
18:01 - 03/04/2017
(TNNN) - Trong gần 1 tháng qua, tại tỉnh Đồng Nai, người trồng chuối lâm vào tình cảnh khốn đốn do lượng chuối đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng bị tồn dư hàng loạt, không có nguồn để tiêu thụ. Thậm chí ở nhiều địa phương, nông dân đành phải để mặc cho chuối chín rụng hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc.
Bằng những chiến dịch "Chuối nghĩa tình" được phát động kịp thời đã giúp bà con giảm bớt được phần nào thiệt hại do chuối ế

 
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.700 ha trồng chuối cấy mô, tập trung chủ yếu ở các huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Trước đây, chuối thành phẩm loại này chủ yếu được người nông dân đem bán cho thương lái để chuyển qua thị trường Trung Quốc tiêu thụ là chính. Tuy nhiên, vào thời điểm từ đầu năm tới nay, do các thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng thu mua khiến giá chuối tuột dốc, mặc dù đã giảm tới 10 lần nhưng vẫn không tìm được kênh để tiêu thụ.


 
Còn nhớ, cũng vào thời điểm này của những năm trước, giá chuối già hương được thu mua ngay tại vườn đã rất tốt, dao động trong khoảng từ 13.000- 17.000 đồng/kg. Thấy loại nông sản này được giá, giúp tăng thu lợi nhuận nên người nông dân ồ ạt nhân rộng. Kết quả, giá chuối đồng loạt giảm xuống, hiện chỉ còn 1.000- 2.000 đồng, nhưng cũng chẳng có ai mua. Bí bách vì chuối ế, rụng chín rũ ở góc vườn, nông dân xót xa cho thành quả lao động vất vả, lại thêm nỗi lo lao đao vì phải gánh cả các khoản nợ nần.


 
Theo anh Trần Văn Mẫn ở tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, thời điểm đầu năm 2016, thấy hàng xóm trúng vụ chuối nên anh quyết định thuê 4.000 m2 rẫy để trồng loại nông sản này. Thế nhưng, may mắn không đến với gia đình anh, khi vườn bắt đầu bước vào đợt thu hoạch đầu tiên thì giá chuối giảm xuống thấp, anh không bán được. Xót xa vì công sức, tiền của đã đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng giờ đành chấp nhận bỏ không, anh Mẫn than thở: “Chỉ hy vọng giá lên trở lại để vớt vát phần nào từ những buồng còn chưa kịp chín”.   


 
Tương tự với hoàn cảnh của anh Mẫn là hộ gia đình ông Vũ Văn Thanh cùng ở xã Thanh Bình. Năm 2016, nhận thấy việc trồng chuối già hương trong xã có lợi nhuận, lại sẵn có vườn cà phê già cỗi vốn cho năng suất thấp, ông Thanh đã quyết tâm phá bỏ cà phê để đầu tư gần 150 triệu đồng vào trồng chuối già hương xuất khẩu. Khi xuống giống trong vườn, chủ vựa chuối trong huyện đã hứa hẹn với ông Thanh sẽ giúp bao tiêu sản phẩm, còn giá bán thì tùy thuộc vào thị trường. Đến lúc chuối chín đầy trong vườn thì thương lái từ chối thu mua cho gia đình ông vì lí do thị trường Trung Quốc không nhập hàng còn thị trường nội địa lại tiêu thụ rất ít.
 


Có một thực tế là, dù tỉnh có diện tích trồng chuối lớn như vậy nhưng hầu hết, đầu ra trước giờ vẫn chỉ được đem về tiêu thụ tại thành phố Hồ Chí Minh dưới dạng trái tươi hoặc xuất khẩu diện tiểu ngạch sang Trung Quốc. Do đó, khi giá chuối tăng cao trong năm 2015, nhiều nông dân đã không tìm hiểu kỹ thị trường mà đổ xô trồng làm cho diện tích chuối tăng vọt lên. Tuy nhiên, người dân chủ yếu vẫn là trồng theo phương thức nhỏ lẻ, tự phát chứ chưa có trang trại chuối nào được sản xuất theo quy mô công nghiệp.

 
Đi tìm nguyên nhân chuối ế rất dễ hiểu và lí do cũng không mới, vẫn là vì tình trạng người dân trồng một cách ồ ạt, đến khi thị trường dư thừa thì đương nhiên mặt hàng đó sẽ lâm vào tình trạng rớt giá, dội chợ. Đã có nhiều bài học đắt giá trước đó khi cả nước đã phải chung tay kêu gọi mọi người giải cứu cho hành tím Sóc Trăng, thanh long Bình Thuận hay khoai lang Vĩnh Long… Tất cả cũng đều do quá trình sản xuất không gắn thị trường, sản phẩm của người nông dân vì thế cứ rơi vào một vòng luẩn quẩn được mùa- mất giá.



Thêm một lần nữa, các tổ chức đoàn thể đã phải lên tiếng tìm cách giải cứu nhằm giảm thiểu bớt thiệt hại cho người nông dân bằng các chiến dịch “Chuối nghĩa tình”. Các chiến dịch hỗ trợ sau đó đã cử các đội giải cứu đến thu mua và giúp người dân đem ra thị trường nội địa tiêu thụ với giá bán từ 4.000- 7000 đồng/ kg.

 



Trước tình thế cấp bách với hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai sau thời gian phối hợp cùng với các đoàn thể, ban ngành trong tỉnh cũng đã triển khai ngay chương trình “Chuối nghĩa tình”. Qua đó, Hội đã giúp bà con nông dân trên địa bàn tiêu thụ được khoảng 350 tấn chuối.

 
Các cấp Hội trong tỉnh đã nỗ lực vận động, liên hệ với các doanh nghiệp để giúp thu mua chuối cho bà con. Đồng thời, tổ chức và xây dựng thành những điểm tập kết linh hoạt ở nhiều địa bàn để giúp bà con có thể đem chuối đến đó tiêu thụ.

 
Theo ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom cho biết: Sau thời gian các cấp Hội Nông dân cùng các ban ngành, đoàn thể nỗ lực giải cứu, giá chuối hiện nay đang ở mức 6.000 đồng/kg. Song, điều quan trọng hơn là người nông dân đã có thêm niềm tin khi tìm được đầu ra cho trái chuối.
 


Được biết mới đây, bà Hoàng Thị Bích Hằng- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã đưa đoàn khảo sát của Công ty Sejong (Hàn Quốc) trực tiếp đến thăm và khảo sát tình hình sản xuất chuối của nông dân tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. Trong quá trình khảo sát các vườn chuối trên địa bàn, đại diện Công ty TNHH Sejong đã đưa ra một số điều kiện về quy trình sản xuất chuối. Theo đó, nếu đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn từ phía doanh nghiệp, cơ hội cho người dân trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc sẽ được rộng mở.


 
Cách thức sản xuất theo phong trào nhưng vẫn manh mún đang là thực tế xảy ra ở những vùng trồng chuối trong tỉnh Đồng Nai. Theo Sở Công Thương tỉnh, thời gian qua, cũng đã có một số doanh nghiệp đến các khu vực trồng chuối để tìm hiểu, giúp nông dân thu mua chuối. Tuy nhiên, do sản phẩm chuối tại đây hiện chưa đủ sản lượng cũng như quy chuẩn trồng còn chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu nên mới dừng lại ở bước khảo sát để có hướng giúp tiêu thụ chuối.


 
Như vậy, để chuối có đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, người nông dân phải biết liên kết với nhau để thành lập hợp tác xã, hoặc là có doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối giúp bà con sản xuất theo đúng các yêu cầu của nhà nhập khẩu… Làm được như vậy thì tình trạng cứu chuối như thời gian qua mới không còn tái diễn.

 
Hà Bích
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo