Viện Môi trường nông nghiệp ước tính lượng phân bón dư thừa trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long lên tới gần 140.000 tấn/năm.
|
Hội thảo tham vấn về ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp. - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Con số đáng quan tâm này được TS. Mai Văn Trinh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tại hội thảo tham vấn về ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp diễn ra ngày 8/12 do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, lượng thuốc diệt cỏ, trừ sâu, diệt nấm tại vùng ĐBSLC cũng đều vượt so với chỉ tiêu “một phải năm giảm” mà Bộ NN&PTNT đề ra.
Ông Trinh lo ngại, tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt mặc dù đã được cảnh báo nhưng ngày càng diễn ra phổ biến và mức độ nghiêm trọng trên nhiều loại cây rau và cây trồng khác nhau.
Tuy nhiên việc xử lý vỏ bao bì các loại thuốc theo đúng quy trình, quy định của ngành nông nghiệp lại chưa được người nông dân quan tâm đúng mức hoặc "làm cho có".
Theo nhiều chuyên gia, sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp không những không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất.
Nhiều loại phân vô cơ còn tồn dư axit, làm chua đất, thậm chí làm xuất hiện nhiều độc tố trong môi trường đất, làm giảm hoạt tính sinh học của đất và năng suất cây trồng.
Ngành chăn nuôi đang gây ô nhiễm nhất
Theo đánh giá của WB, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng ấn tượng về nông nghiệp trong 20 năm qua. Tuy nhiên, hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang tiến gần tới giới hạn của mô hình tăng trưởng thâm dụng nhiều yếu tố đầu vào như lao động, hóa chất, tài nguyên thiên nhiên hơn là hiệu suất và giá trị gia tăng.
Theo báo cáo nghiên cứu của WB, ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang phát triển nhanh nhất.
Đặc biệt, nguồn chất thải từ hoạt động chăn nuôi bò sữa thương mại ở các địa phương như Hà Nội, Nghệ An và TPHCM đang gây ô nhiễm môi trường mặt đất và mặt nước nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường trong ngành thủy sản cũng đang ngày càng báo động, đặc biệt là với tình trạng ồ ạt mở rộng việc nuôi cá tra và độc canh tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, việc xả thải nước không qua xử lý lại khá phổ biến.
Theo WB, các vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh rất rộng rãi do sử dụng quá mức và không đúng các yếu tố đầu vào bao gồm cả thức ăn, hóa chất xử lý nước, kháng sinh và các loại thuốc khác.
Từ đánh giá của WB, TS. Nguyễn Thế Hinh (chuyên gia nông nghiệp) cho rằng, ngành chăn nuôi đang chuyển đổi sang tăng chăn nuôi thâm canh, giảm chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ. Đi cùng xu hướng trên là sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước, đất đai và không khí ngày càng nghiêm trọng, kể cả ở những trang trại và nông hộ đã có biện pháp xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thông qua công nghệ khí sinh học.
Một nghịch lý là các quy định về quản lý môi trường chăn nuôi lại quá cao, chưa sát với thực tế dẫn đến tất cả các hộ chăn nuôi, trang trại đều không đạt tiêu chuẩn. Cùng với đó, sự thiếu hụt về kiến thức và công nghệ quản lý chất thải chăn nuôi phù hợp đã dẫn đến một số quy định và chế tài quản lý chất thải chăn nuôi còn mang tính hình thức, tốn chi phí đầu tư mà không đem lại hiệu quả xử lý môi trường chăn nuôi bền vững.
Chính vì vậy, WB khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm cải thiện về thể chế, nghiên cứu hoàn thiện về công nghệ và có chính sách hỗ trợ các trang trại, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi bền vững thông qua tạo thu nhập bổ sung nhằm vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống xử lý môi trường. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tăng cường chế tài xử phạt các trang trại, cá nhân vi phạm về quy định môi trường chăn nuôi.
Chăn nuôi nhỏ vẫn là sinh kế của hàng triệu hộ nông dân. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi quy mô nhỏ hiệu quả hơn thông qua biện pháp khí sinh học và kết hợp các công nghệ xử lý chất thải nhằm tạo điều kiện cho các nông hộ vừa tiếp tục chăn nuôi trong khu dân cư, vừa bảo đảm các chỉ tiêu môi trường ở mức độ chấp nhận được.
Đối với ngành thủy sản, cần theo dõi và thực thi hiệu lực các quy định và chính sách hiện hành trong ngành nuôi trồng thủy sản, đồng thời áp dụng cách tiếp cận theo chuỗi giá trị cũng như tăng cường áp dụng các biện pháp canh tác bền vững như VietGAP, GlobalGAP, ASC…