Doanh nghiệp, nhà nông thiệt vì thuế phân bón: Hệ lụy xấu đối với thị trường
Trước đây, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%, tuy nhiên thuế đầu vào có thể được khấu trừ, thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định mới là Luật sửa đổi, bổ sung quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào, mà phải hạch toán tất cả vào chi phí.
|
Người nông dân trực tiếp “gánh” các khoản phí do DN sản xuất phân bón không chịu thuế GTGT? |
Ảm đạm theo... giá đạm
Từ đầu năm nay, câu chuyện khó khăn của 2 thành viên ngành phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã nhiều lần được đề cập đến. Cụ thể, khoản lỗ lũy kế của Đạm Ninh Bình tính đến cuối tháng 6.2016 đã lên tới xấp xỉ 2.700 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Năm 2015 Đạm Hà Bắc cũng báo lỗ 675 tỷ đồng và năm 2016 số lỗ dự kiến khoảng 488 tỷ đồng. Chưa kể các khoản lãi vay hàng nghìn tỷ đồng khiến mỗi năm các công ty này phải gánh khoản lãi cao, dẫn đến lợi nhuận âm... Dĩ nhiên, nguyên nhân chính khiến 2 nhà máy đạm lớn nhất khu vực miền Bắc này liên tục thua lỗ là vì các khoản vay đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cũng có nguyên nhân khách quan khiến 2 thành viên này bị đẩy vào tình thế “buộc” phải ngừng sản xuất vì “càng làm càng lỗ” là do giá đạm giảm, cùng với gánh nặng thuế VAT đầu vào.
Theo ông Đoàn Văn Nhuộm, việc điều chỉnh quy định của Luật 71 từ không chịu thuế GTGT sang thành thuế suất 0% sẽ làm chi phí, giá thành, giá bán phân bón giảm xuống. Về phía DN, họ sẽ thấy được sự chia sẻ và hỗ trợ của Nhà nước về mặt thể chế, về chủ trương phát triển và hỗ trợ nông nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay. Từ đó, DN trong nước được tiếp thêm nguồn lực để tăng thị phần, cung cấp hàng cho nông dân Việt Nam sử dụng, bảo toàn được vốn Nhà nước do không bị phân bón nhập khẩu phá giá...
|
Chẳng hạn, theo báo cáo của Đạm Hà Bắc, sản lượng đạm (urê) đạt 500.000 tấn/năm. Giả sử giá than và các vật tư khác không tăng, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu như thiết kế dự án, thì chi phí đầu vào chịu thuế VAT hết khoảng 2.500 tỷ đồng, thuế VAT đầu vào sẽ là 250 tỷ đồng - con số không nhỏ với doanh nghiệp (DN) đang khó khăn như Đạm Hà Bắc.
Nhiều DN sản xuất phân bón khu vực phía Nam như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau cũng đang chật vật bởi thuế VAT đầu vào. Chẳng hạn Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau, 9 tháng qua doanh thu ước đạt 3.400 tỷ đồng, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến cuối quý 3 công ty ước lãi trước thuế khoảng 393 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ 2015. Nếu so với kế hoạch doanh thu cả năm, công ty mới hoàn thành khoảng 58% chỉ tiêu.
Tương tự, lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 của Đạm Phú Mỹ (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí) cũng chỉ đạt doanh thu 5.415 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ. Riêng trong quý III.2016, mức sụt giảm lợi nhuận lên đến 57%, chỉ đạt mức 179 tỷ đồng.
Lý giải về mức sụt giảm lợi nhuận, lãnh đạo một trong những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón hàng đầu Việt Nam cho biết, giá đạm sụt giảm khiến biên lợi nhuận trước đây của DN đạt khoảng 1.500 đồng thì bây giờ chỉ còn 500 – 600 đồng, nên gây khó khăn cho tình hình sản xuất kinh doanh của công ty. Chưa kể Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Nông dân cũng khổ
Theo “tính toán” khi soạn thảo Luật 71, người nông dân sẽ được miễn thuế VAT 5% mua phân bón khi luật này chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, thực tế lại ngược lại, người nông dân phải chịu cộng thuế các sản phẩm đầu vào phân bón, tính ra mức giá tăng bình quân hơn 7%.
Lý giải về thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Việt Mỹ cho rằng, với các DN đã khấu hao xong đầu tư nhà máy thì có thể cầm cự được trong thời điểm khó khăn hiện tại, nhưng với những DN mới đầu tư, do chi phí tăng cao vì không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu… thì sẽ “đuối” trong cạnh tranh và buộc phải tăng giá bán, nếu không sẽ phải giảm chất lượng phân bón để giảm giá thành.
“Để giảm phần nào thiệt hại, các DN sản xuất trong nước buộc phải tính đến việc xuất khẩu (vì khi xuất khẩu các DN sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, do thuế suất xuất khẩu là 0%). Điều này sẽ tạo lên những cơn sốt giá phân bón ở trong nước khi vào vụ, gây ra hệ lụy phức tạp đối với thị trường phân bón, đồng thời người nông dân sẽ phải chịu toàn bộ những ảnh hưởng này” - ông Anh chia sẻ.
Theo ước tính của Hiệp Hội Phân bón Việt nam, về phía nông dân, nếu thuế GTGT đầu vào cho phân bón được khấu trừ 5% (mỗi năm khoảng 3.300 tỷ đồng) thì số tiền này sẽ hỗ trợ trực tiếp vào giá phân bón cho nông dân. Đồng thời, bà con nông dân có nguồn cung ứng phân bón với giá ổn định, không bị “sốt” hàng cục bộ, không bị lệ thuộc vào nguồn phân bón từ nước ngoài.