Nghịch lý giảm thuế VAT, giá phân bón tăng hơn trước: Lắng nghe thêm ý kiến nông dân
21:48 - 31/10/2016
Cho rằng việc chuyển mặt hàng phân bón sang nhóm đối tượng miễn thuế VAT đã không giúp giảm giá mà còn gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp (DN), nhiều ý kiến đề nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ điều này. Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Thưa ông, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như của các DN sản xuất phân bón cho rằng việc thực hiện Luật 71 đưa phân bón ra khỏi diện chịu thuế khiến cho DN phân bón và nông dân gặp nhiều khó khăn. Quan điểm của Phó Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

- Nước ta là nước nông nghiệp, nông dân chiếm khoảng 70% dân số. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng, người nông dân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhiều chi phí sản xuất, riêng phân bón chiếm khoảng 20% chi phí đầu vào và luôn tăng giá. Ở Việt Nam, mỗi năm nông dân phải bỏ ra khoảng hơn 100 nghìn tỷ đồng để mua phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Chi phí đầu vào tăng cao mà đầu ra tăng chậm chính là nguyên nhân dẫn đến sản xuất nông nghiệp khó khăn, thu nhập nông dân thấp, làm cho nông dân không yên tâm phát triển sản xuất. Nếu chi phí cho phân bón giảm xuống, chắc chắn nông dân sẽ bớt đi một phần gánh nặng.

Vậy vì sao vừa qua lại có nhiều ý kiến “kêu ca” về việc giảm thuế VAT đối với phân bón như vậy?
- Trước hết tôi thấy Luật Thuế 71 nhằm mục đích khuyến khích các DN đầu tư cho nông nghiệp, đồng thời giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra, làm cho đời sống nông dân đỡ khó khăn hơn. Như vậy, rõ ràng quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước là ủng hộ cho bà con nông dân. Nếu chiếu theo Luật 71 thì nông dân sẽ không phải chịu 5% thuế VAT, điều này là có lợi cho bà con nông dân. Còn đối với DN thì họ tính toán theo phương pháp của DN, chúng ta cần phân tích mổ xẻ sâu hơn nữa, chúng ta mới nghe một phía từ DN, còn phải có ý kiến của các nhà chính sách, của nông dân để nhận diện đúng hơn, toàn diện hơn.

Để tháo gỡ một phần khó khăn cho DN sản xuất phân bón, cũng như hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, các DN sản xuất phân bón đã đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang nhóm đối tượng chịu thuế suất 0%. Quan điểm của Phó Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

- Hội Nông dân chưa có văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính về vấn đề này. Chúng tôi đang lắng nghe quan điểm của các DN, sau này sẽ tiếp tục đi khảo sát các địa phương, lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Bởi vì khi sửa đổi luật phải đúng theo quy trình chứ không phải ngày một ngày hai mà phải một vài năm. Thời gian này, T.Ư Hội Nông dân sẽ tiếp tục phối hợp làm việc với các bộ ngành liên quan, trao đổi với các DN, đồng thời nắm bắt tình hình từ phía bà con nông dân, lúc đó Trung ương Hội mới chính thức có văn bản.

Để giúp cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, Trung ương hội Nông dân Việt Nam có đề nghị gì đối với các DN sản xuất phân bón?

- Trước hết các DN luôn luôn phải là người bạn đồng hành với bà con nông dân. Bên cạnh việc coi nông dân là khách hàng, các DN cũng phải phục vụ bà con nông dân như người bạn. Bà con nông dân có sản xuất năng suất, hiệu quả thì DN mới sống được, ngược lại DN sản xuất phân bón phục vụ tốt thì nông dân mới sống được với nghề nông, đây là mối quan hệ tương hỗ. Chính vì vậy T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các DN sản xuất phân bón cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giúp bà con phân bón, làm thế nào để sản phẩm phân bón đến với nông dân với giá thành hợp lý nhất, chất lượng nhất, đồng thời các DN cần liên kết với các hộ dân cả trong sản xuất và tiêu thụ.

Một trong những giải pháp gỡ khó cho nông dân là việc Hội Nông dân Việt Nam đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm cho hội viên nông dân. Phó Chủ tịch đánh giá giải pháp này hỗ trợ được gì nhiều cho bà con nông dân?

- Đây là giải pháp hiệu quả, bởi vì qua chương trình phân bón trả chậm, nông dân mua được với giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo, 6 tháng sau mới phải trả tiền giúp bà con bám đồng ruộng, bám quê hương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, phải nói rằng, chương trình bán phân bón trả chậm cho bà con chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh giá phân bón còn cao, nông dân còn gặp nhiều khó khăn, còn giải pháp lâu dài thì vẫn phải từ Nhà nước. Nhà nước bằng cách nào đó giúp cho nông dân sản xuất theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp-nông dân- nông thôn, Nhà nước phải có chính sách để bà con nông dân tiếp cận được phân bón chất lượng và giá cả hợp lý, đó mới là giải pháp lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

 


 

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo