Xuất khẩu trái cây được dự báo sẽ đạt 2,5 tỷ USD
16:20 - 31/10/2016
(TNNN) - Thời gian qua, nền sản xuất nông nghiệp nước ta gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu gay gắt đang diễn ra trên toàn cầu. Bên cạnh đó, điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường xuất khẩu lúa gạo cũng khiến người nông dân cũng như các doanh nghiệp trong nước đau đầu. Do vậy, việc xuất khẩu trái cây có những khởi sắc mới lại đang được bàn đến thường xuyên hơn, hướng đi này giống như một giải pháp hữu ích trong tìm đầu ra cho việc xuất khẩu nông sản.
Hơn 30 tấn vải thiều đã được xuất sang bán tại thị trường Úc mở ra tín hiệu vui cho ngành xuất khẩu trái cây Việt

 
Tại Hội thảo quốc gia về khoa học cây trồng mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh cũng đã thừa nhận một điều rằng ngành rau quả tuy ít được quan tâm đầu tư nhưng kết quả xuất khẩu lại liên tục tăng trưởng hết sức ấn tượng. Cụ thể, nếu như năm 2013, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 900 triệu USD thì sang năm sau đã đạt 1,47 tỷ USD và đến năm 2015 đạt 1,85 tỷ USD.


 
Riêng trong khoảng thời gian từ đầu năm đến hết tháng 7/2016, trị giá xuất khẩu rau quả đã đạt tới 1,37 tỷ USD. Theo như dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng xuất khẩu trong cả năm sẽ còn đạt đến con số 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 650 triệu USD so với năm 2015. Căn cứ vào diễn biến kết quả như vậy, Bộ Nông nghiệp & PTNT dự báo, nhiều khả năng xuất khẩu rau quả trong năm 2016 sẽ lần đầu tiên vượt qua lĩnh vực lúa gạo về giá trị.


 
Trong tổng số 4.608 tấn trái cây tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, Hàn, New Zealand, Úc… trái thanh long đã chiếm đến hơn 72% thị phần. Thời gian tới, dự báo trái thanh long được xuất sang các thị trường cao cấp sẽ còn tăng mạnh khi Đài Loan đã mở cửa nhập khẩu trở lại cho loại trái cây này. Nếu như cách đây 6 năm, Việt Nam đã cho xuất khẩu trái thanh long sang thị trường Đài Loan từ 13.000 - 14.000 tấn/năm; hiện thị trường này có khả năng nhập khẩu từ 14.000 - 16.000 tấn/năm.

 
Một yếu tố giúp cho thanh long trở thành “vua trái cây xuất ngoại” là nhờ loại trái này có thời gian bảo quản được đến 40 ngày, có thể vận chuyển bằng đường biển (21 ngày) với mức chi phí thấp. Trong khi đó, những trái cây khác như: Chôm chôm, nhãn, vải tươi… không bảo quản được lâu, gây khó khăn cho các nhà bán lẻ.

 
Hiện nay, giá cước vận chuyển trái cây bằng đường hàng không vào khoảng 3,6 USD/kg (trong khi đường biển chỉ từ 0,2- 0,3 USD/kg). Điều này đã khiến cho chi phí nhiều loại trái cây khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cao, hạn chế sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

 
Sau giai đoạn thăm dò thị trường, trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ đã có sự tăng trưởng vượt bậc, điều này đã thu hút nông dân và cả các doanh nghiệp cùng tham gia. Đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị nông sản Việt sẽ là động lực thay đổi nền sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thế giới; nông dân không còn phải lo cảnh “được mùa mất giá”.


 
Không chỉ có thanh long mà hàng loạt trái cây Việt Nam khác như: Vải, vú sữa, xoài, nhãn… cũng đã được xuất sang nhiều thị trường Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand. Trong số đó, vải thiều mà trước đây nước ta phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thì giờ đã chinh phục được cả những thị trường vốn rất khắt khe như Mỹ, Canada, Pháp… Mới đây, một tín hiệu vui khi hơn 30 tấn vải thiều của chúng ta đã được xuất sang bán tại Úc, bước đầu nhận được phản hồi rất tích cực của người tiêu dùng.

 
Bàn về giải pháp xuất khẩu trái cây ngon của Việt Nam, các chuyên gia đều cho rằng chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp cơ bản như: Diệt khuẩn bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt; phải trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP; mặt khác, phải quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định…


 
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu- tỉnh Bến Tre cho biết, tiềm năng từ thị trường Mỹ còn rất lớn do trái cây Việt phần lớn mới chỉ được tiêu thụ trong cộng đồng người châu Á. Sau trái thanh long, chôm chôm, nhãn, vải đã được cấp phép; vú sữa và xoài đang trong thời gian đàm phán; các loại cây có múi khác như bưởi, cam của Việt Nam cũng sẽ có thế mạnh nếu vào được thị trường Mỹ.

 
Là nhà phân phối trái cây sang các thị trường khó tính nhiều năm qua nên công ty của bà Thu rất hiểu và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hiện nay, để đáp ứng được các đơn hàng ngày càng nhiều, công ty cũng đang tiến hành xây dựng một nhà máy sơ chế và kho lạnh bảo quản rộng đến 3.600 m2. Dự kiến nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động từ năm sau.
 

Diện tích cây ăn quả của Việt Nam hiện đạt 786 nghìn hécta, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất của cả nước, đạt 298 nghìn hecta (chiếm 37,9% tổng diện tích cây ăn quả). Vùng Đông Nam bộ đứng hàng thứ hai, với diện tích 187 nghìn hecta (chiếm 23,8% tổng diện tích cây ăn quả cả nước).


 
Trong những năm gần đây, diện tích cây ăn quả đang có tốc độ phát triển chậm lại (chỉ khoảng hơn 1% năm). Tuy nhiên, nhờ có tác động của những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất chuyên canh và trình độ canh tác của các nhà vườn được nâng cao nên năng suất và sản lượng cây ăn quả tăng trưởng mạnh (3- 4%/năm).

 
Trong quy hoạch phát triển cây ăn trái, Bộ Nông nghiệp & PTNT chú trọng đến 12 loại trái cây chủ lực gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực được trồng tập trung dự kiến đến năm 2020 là 257 nghìn hecta, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở Nam bộ. Trong đó, vùng ĐBSCL có hơn 185 nghìn hecta, vùng Đông Nam bộ 72 nghìn hecta.

 
Xoài là loại cây có diện tích trồng tập trung lớn nhất với gần 46 nghìn hecta, tiếp đó là nhãn 30 nghìn hecta, chuối 29 nghìn hecta, bưởi 28 nghìn hecta, cam 26 nghìn hecta, thanh long 25 nghìn hecta, dứa 21 nghìn hecta, chôm chôm 18 nghìn hecta, sầu riêng 15 nghìn hecta, mãng cầu 8.300 hecta, quýt 5.850 hecta và vú sữa 5.000 hecta…
 


Hiện nay các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Úc đã mở cửa với hàng loạt trái cây đặc sản Việt Nam. Tuy nhiên, những con số dự báo trên không làm cho chúng ta yên lòng vì việc xuất khẩu trái cây cũng mới chỉ là bước đầu; trong khi ta lại chưa xây dựng được thương hiệu để có thể đứng chân vào các thị trường nhiều cạnh tranh.


 
Để trái cây đến được với người tiêu dùng quả là một việc không hề dễ dàng. Chẳng hạn như đối với thị trường Úc, được đánh giá là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất thế giới. Vì thế, nếu như mở cửa được thị trường Úc sẽ là một phép thử quan trọng cho trái cây xuất khẩu Việt Nam. Đối với thị trường Mỹ, ngoài các quy định về an toàn thực phẩm chúng ta còn chịu sự cạnh tranh của nhiều nước Caribe có cùng chủng loại trái cây vùng nhiệt đới khác nữa.


 

Thanh Tú
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo