Đừng để nợ chồng nợ
15:18 - 21/10/2016
 Con số hơn 15.200 tỷ đồng tiền nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới của cả nước tính đến thời điểm này là bài học đắt giá cho cách làm nóng vội, chạy theo thành tích của không ít địa phương.
 

 Và đằng sau con số ấy là nỗi trăn trở của cả xã hội khi mà giải pháp xử lý nợ đọng xem ra còn khá tù mù và thiếu tính khả thi. Nói nợ đọng sinh ra từ căn bệnh thành tích thật chẳng sai, bởi Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ là những nơi có phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) dẫn đầu cả nước lại chính là 2 khu vực sở hữu khoản nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) lớn nhất, chiếm tới 75,3%. Kết thúc năm 2015, chương trình xây dựng NTM chưa đạt được mục tiêu có 20% xã đạt chuẩn như Nghị quyết T.Ư 7, Khóa X đã đề ra. Kết quả này phần nào tạo áp lực cho các địa phương dốc sức chạy đua xây dựng NTM để cán đích vào chặng đường tiếp theo. Đến hết tháng 9/2016, cả nước đã có 2.045 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 23% nhưng kèm theo đó là khoản nợ đọng XDCB khổng lồ lên tới 15.277 tỷ đồng!
 
Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, một số địa phương có số nợ đọng quá lớn, trên 1.000 tỷ đồng như Bắc Ninh (1.631 tỷ đồng), Thanh Hóa (1.547 tỷ đồng), Thái Bình (1.232 tỷ đồng)… Cá biệt, có địa phương như huyện Phước Long (Bạc Liêu) mất khả năng thanh toán với số nợ gần 400 tỷ đồng, gây bức xúc dư luận. Cần phải nói thêm, các khoản nợ đọng XDCB trong NTM hiện nay chủ yếu tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa, trường học... Điều đó cho thấy, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, các địa phương mới chỉ lo làm "phần nổi" là thay đổi diện mạo mà quên đi nhiệm vụ cốt yếu nhất của NTM là nâng cao đời sống cho người nông dân.
 
Kết cục đắng của việc ra sức hô hào, vận động DN ứng vốn thi công các dự án hạ tầng trong khi chưa xác định được nguồn vốn thanh toán chính là khoản nợ bình quân 4,2 tỷ đồng/xã, trong đó các xã đạt chuẩn NTM nợ 6,2 tỷ đồng/xã. Nói về giải pháp xử lý nợ, địa phương nào cũng lắc đầu chờ nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và đấu giá đất. Tuy nhiên, trong bối cảnh bất động sản chưa mấy sôi động và giá đấu đất thấp như hiện nay, việc tìm nguồn trả nợ của nhiều địa phương là vô cùng khó khăn. Trong khi đó, chương trình xây dựng NTM vẫn tiếp tục triển khai và yêu cầu ngày càng cao đã đặt ra những mối lo ngại về tình cảnh "nợ mới chồng nợ cũ" như tâm tư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: "Nếu không xử lý được sớm thì sẽ vỡ nợ mất". Và trong bối cảnh này, việc đưa tiêu chí xử lý nợ đọng XDCB làm căn cứ xét duyệt địa phương đạt chuẩn NTM như đề xuất của nhiều chuyên gia là điều rất cần thiết để hạn chế cách làm "xốc nổi", thiếu tính toán như hiện nay.

Nguồn: KTĐT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo