Gần 8 tấn cá hồi Sa Pa chết trắng, thiệt hại tiền tỷ, nhiều nghi vấn bị đầu độc
Đang khỏe mạnh, gần 8 tấn cá hồi, cá tầm của các hộ dân thôn Nậm Cang 1, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bỗng dưng chết nổi trắng bụng. Tại đầu nguồn nước, người dân tìm thấy nhiều chai thuốc trừ sâu đã mở miệng. Toàn bộ nguồn nước ăn của thôn Nậm Cang 1 cũng bị nhiễm độc phải tẩy rửa.
* Gần 3 tỷ đồng đầu tư cho vụ cá “bốc hơi” trong nháy mắt.
Ông Nguyễn Thái Bình, bản Nậm Cang 1 cho biết, gia đình ông và 4 hộ khác cùng góp đất, vốn liếng làm ăn bị thiệt hại nặng nhất. Tháng 1/2016, sau khi hoàn thành việc xây dựng bể nuôi, bể áp lực, đường ống dẫn nước, các hộ này bắt đầu mua con giống về thả.
Nhiều tấn cá hồi chết trắng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng
Ban đầu, họ thả 1,5 vạn giống cá hồi, được nhập từ Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh (Sa Pa). Tiếp đến tháng 7 thì nhập thêm 7.000 con giống để thả. Theo ông Bình, do nguồn nước sạch, nhiệt độ lý tưởng nên cá sinh trưởng phát triển mạnh. Lứa cá đầu tiên nay đã đạt trọng lượng gần 1kg/con, có thể xuất bán vào dịp giáp Tết. Lứa thứ hai trọng lượng ước đạt 2 – 3 lạng/con. Số vốn các hộ này đổ vào để khởi nghiệp khoảng 1,7 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ còn gần 300 triệu đồng.
Ngay cạnh bể nuôi là con suối thôn Nậm Cang 1. Để dẫn nguồn nước, ông Bình đã làm một con đập nhỏ, dẫn nước theo con mương khép kín về một bể áp lực. Phía trên bể áp lực cũng chính là ngôi nhà trông coi, ăn ở của các công nhân.
Cá chết được vớt đổ vào xe cải tiến
Ngày 14/10, sau bữa cơm trưa thì ông Bình đi nghỉ. Đến khoảng 14h20, nhiều công nhân hốt hoảng gọi ông Bình dậy vì phát hiện cá có biểu hiện bất thường. Tất cả các bể, cá có hiện tượng nhao lên phía trên. Chỉ 10 phút sau, cả đàn cá chết nổi trắng bụng, phía dưới từng lớp cá xếp vón cục.
Ngay lập tức, ông Bình cho chạy hệ thống lọc nước 2 lần liên tục nhưng cá vẫn nhao lên rồi chết. Đồng thời, thông báo cho các hộ dân bên dưới được biết, trong đó có 4 bể cá hồi của gia đình ông Phàn Dào Quẩy. Nhưng do dẫn cùng nguồn nước, số cá của gia đình ông Quẩy cũng bị chết trắng.
Không những vậy, nguồn nước ăn của 76 hộ dân thôn Nậm Cang 1 cũng được lấy từ bể nước áp lực khu nuôi cá của ông Bình. Các hộ dân được chính quyền thôn yêu cầu rút cạn bể, thau qua vài lần mới được ăn nước trở lại. “Do một số hộ đi làm nương không nắm được thông báo nên vẫn dùng để nấu cơm. Cán bộ thôn kịp thời đến thông báo lại, họ phải đổ cả nồi cơm vì sợ trúng độc. Rất may là không có án mạng xảy ra”, ông Bình kể.
Dùng máy xúc đào hố chôn số cá hồi bị chết
Tại đầu nguồn nước dẫn vào khu nuôi cá, ông Bình cùng nhiều người khác tìm thấy 3 chai thuốc trừ sâu đã mở miệng, vẫn đang chảy chất lỏng màu trắng đục. Tem mác của các loại thuốc đã bị bóc mất. Đại diện cán bộ thôn có mặt, báo cáo vụ việc lên xã, công an huyện. Trong buổi chiều, lực lượng công an khu vực đã có mặt lấy lời khai, mẫu cá, nước và các vỏ chai thuốc trừ sâu để tiến hành điều tra.
Ông Bình ngậm ngùi, đây là vụ cá đầu tiên, cũng là mô hình điểm của xã, kỳ vọng từ đây có thể nhân rộng mô hình, giúp bà con phát triển kinh tế, ai ngờ. Nếu cả 2 lứa cá sinh trưởng tốt, giá bán ổn định có giá trị khoảng 5 – 6 tỷ đồng. Sau sự việc kể trên, tổng trọng lượng cá hồi bị chết khoảng 7,5 tấn, thiệt hại trên 2,5 tỷ.
“Thấy cá của chúng tôi chết nổi trắng, cả thôn xúm lại giúp vớt cá. Dù không phải tài sản của mình nhưng nhiều người vừa vớt vừa khóc đầy chua xót. Tôi thì bản lĩnh hơn, dù đau xót lắm nhưng cố kìm nén được. Số vốn bỏ vào lớn, bản thân con cá giá trị kinh tế cao, không cẩn thận là sạt nghiệp”, ông Bình tâm sự.
Những chai thuốc trừ sâu người dân tìm thấy tại đầu nguồn nước
Theo điều tra của PV NNVN, sự việc kể trên không phải mới xuất hiện tại vùng nuôi cá nước lạnh của huyện Sa Pa. Nhiều sự việc cứ diễn ra âm ỉ rồi bị lãng quên trong sự bức xúc, sợ hãi của người chăn nuôi… |
Ông Quẩy thì thở dài, trước đó thấy nhóm ông Bình nuôi cũng phấn khởi học hỏi làm theo. Riêng số tiền xây bể, đường ống ban đầu hết khoảng hơn 300 triệu đồng. Đùng một cái bị kẻ xấu hãm hại, hơn 8.000 con cá hồi, tổng trọng lượng khoảng 7 tạ chết sạch. Chỉ tay vào bể nước, ông Quẩy lắc đầu, cả bể giờ chỉ còn duy nhất 2 con cá là chép và cá suối bị lẫn vào là sống sót. Rất may, dù bị đầu độc, 1.200 con cá tầm của ông Quẩy chỉ bị chết 2 con.
Theo ông Bình, cá hồi là loài vô cùng khó tính, nhạy cảm với nguồn nước, nhiệt độ. Ngày nào ông cũng phải thay nước, trèo xuống bể bằng thang đánh cọ sạch sẽ rồi bơm nước mới. Chỉ cần thay đổi nhiệt độ đột ngột hay nguồn nước có vấn đề, cá hồi sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi, cá tầm là loài có sức đề kháng tốt hơn, ít chịu ảnh hưởng.
Dẫn chúng tôi đi kiểm tra một vòng hệ thống dẫn nước, ông Bình khẳng định, nguồn nước chắc chắn bị kẻ gian đầu độc có chủ ý. Bởi lẽ, nguồn nước nuôi cá chỉ là một nhánh nhỏ của con suối, không ảnh hưởng gì tới xung quanh. Và đây cũng là nơi đầu nguồn, phía trên là rừng, không có đất nương, nguyên nhân người dân dùng thuốc SXNN bị loại trừ.
Đầu nguồn nước nơi dẫn về khu nuôi cá cũng là nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân
Ông Tẩn Trằn Quyên, trưởng thôn Nậm Cang 1 cho biết, đây là trường hợp chưa từng xảy ra ở địa phương. Hiện tại, kết quả của vụ việc vẫn đang được phía công an huyện Sa Pa điều tra xác minh làm rõ. Tuy nhiên, vụ việc khá nghiêm trọng khi cả nguồn nước ăn của người dân cũng bị hạ độc. Nếu có án mạng xảy ra, đây không còn là chuyện con cá.
Trao đổi với PV NNVN, ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Nậm Cang bày tỏ chua xót trước thiệt hại mà người dân trên địa bàn hứng chịu. Được biết, nhóm 5 hộ nuôi cá hồi tại đây đang xin phép được thành lập Tổ hợp tác SX cá nước lạnh. Cả chính quyền, người dân đều hy vọng mô hình SX này thành công, từ đó nhân rộng ra để nhiều hộ khác học tập. Đánh giá về vụ việc này, ông Seng cho rằng, đây là một hành động phá hoại hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người dân.
Ông Phàn Dào Quẩy: “Cá chết hết rồi, trong bể chỉ còn 1 con cá suối và 1 con cá chép thôi”
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bình cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhập cá giống để khôi phục SX, sợ vẫn phải làm. Ông Bình mong muốn, cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ nguyên nhân và thủ phạm gây ra vụ việc, xử lý theo pháp luật. Trong khi đó, ông Quẩy tỏ ra e dè “khéo tôi chuyển sang nuôi cá tầm, lỡ bị một lần nữa thì biết làm sao”. |