Mía giá cao, nông dân ung dung “găm” hàng
21:47 - 31/10/2016
Mặc dù giá mía nguyên liệu đang được các nhà máy thu mua ở mức khá cao, song nông dân ở nhiều nơi vẫn chần chừ không muốn bán vì muốn chờ giá tăng hơn nữa. Điều này khiến một số nhà máy phải sản xuất cầm chừng.
Nông dân xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, Bình Định thu hoạch mía. Ảnh: I.T

Đường tăng trưởng “nóng”

Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, năm 2016, đường đã trở thành một trong những loại hàng hóa “nóng” nhất trên thị trường thế giới với mức tăng trưởng hơn 50%. Sau 5 năm thừa cung khiến giá liên tục giảm, từ tháng 8 đến nay giá đường đã bắt đầu xu thế tăng. Theo đó giá đường trắng London kỳ hạn giao tháng 12.2016 đã tăng 0,5 USD/tấn, lên 594,1 USD/tấn so với cuối tuần trước.
 

Nhu cầu đường trên thế giới được dự báo sẽ vượt sản lượng niên vụ 2016 – 2017 và hiện tại, thị trường đường đang có mức tồn kho thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Cụ thể, theo Tổ chức Đường quốc tế (ISO), niên vụ 2016 – 2017 sản lượng đường thế giới đạt khoảng 168 triệu tấn, trong khi tiêu dùng dự kiến hơn 175 triệu tấn, như vậy sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn đường.
 

Những tín hiệu từ thị trường thế giới đã góp phần nâng đỡ giá đường trong nước. Cụ thể, tuần qua giá bán buôn đường kính trắng trên thị trường Hà Nội duy trì ở mức 17.000 đồng/kg; miền Trung ở mức 16.600 – 16.800 đồng/kg. Giá bán buôn đường tinh luyện hiện cũng đạt khoảng 17.000 – 17.700 đồng/kg.
 

Mức giá này khiến các nhà máy đường trong nước bước vào vụ ép mới với đầy hứng khởi, theo đó từ cuối tháng 9, Công ty CP Mía đường Cần Thơ đã đi vào hoạt động 2 nhà máy; Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát cũng đưa nhà máy vào hoạt động từ đầu tháng 9… Tuy nhiên, theo phản ánh từ các nhà máy, do dự báo giá đường sẽ tiếp tục tăng nên dù đã vào chính vụ ép, nông dân vẫn thu hoạch nhỏ giọt và chưa chịu bán mía trong lúc này.
 

Lãnh đạo Công ty CP Mía đường Cần Thơ cho biết, hiện mỗi ngày 2 nhà máy thuộc công ty (Nhà máy đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp – đóng tại Hậu Giang) chỉ tiếp nhận khoảng 1.000 – 1.200 tấn mía cây, trong khi công suất ép của mỗi nhà máy là 3.000 – 3.500 tấn mía cây/ngày. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Hậu Giang là nơi có vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL với gần 11.000ha mía, trong đó gần 5.000ha là mía chín sớm (chủ yếu là giống mía ROC 16) đã đến kỳ thu hoạch và cho chữ đường khá cao. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 1.500ha mía, dù các nhà máy đã trả giá thu mua mía tại ruộng ở mức 1.200 đồng/kg.
 

Sở dĩ có tình trạng này là do năm nay diện tích mía toàn vùng ĐBSCL giảm, bà con cũng như các chuyên gia dự đoán sắp tới sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu khi các nhà máy đồng loạt vào vụ ép. Bên cạnh đó, từ khi có hệ thống đê bao, bà con cũng không còn bị áp lực phải thu hoạch mía chạy lũ nên nhiều người có tâm lý giữ lại mía chờ chữ đường cao hơn, cũng như đợi giá thu mua tiếp tục nhích lên mới chặt mía bán.
 

Nông dân Võ Văn Phường (ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết, gia đình ông trồng 2ha mía giống ROC 16 và đã đến kỳ thu hoạch. “Những ngày qua, thương lái đến hỏi mua với giá 1.200 đồng/kg, nhưng tôi nghe đài báo nói giá mía đang cao lắm, có nơi chỉ cân xô, không cần đo chữ đường mà đã mua với giá 1.330 đồng/kg nên tôi chưa muốn bán. Đợi khi nào giá cỡ 1.300 đồng trở lên rồi tính” – ông Phường nói.
 

Với năng suất mía cây đạt bình quân 105 – 115 tấn/ha, giá bán 1.200 đồng/kg nông dân đã có thể lãi từ 50 triệu đồng/ha, thậm chí có hộ lãi tới 100 triệu đồng/ha.
 

Nhà máy lo “đói” hàng

Theo Bộ NNPTNT, toàn vùng ĐBSCL năm nay chỉ còn hơn 42.000ha mía, giảm khoảng 6.000ha so với vụ trước. Trong khi toàn vùng hiện có tới 9 nhà máy đường công suất lớn đang hoạt động. Vì thế, mối lo ngại lớn nhất của các nhà máy trong thời gian tới là thiếu nguồn mía nguyên liệu để ép và xảy ra chuyện tranh giành mua mía nguyên liệu.
 

Ông Nguyễn Văn Chính – Phó Giám đốc Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết, giá đường trên thị trường hiện ở mức 16.000 – 17.000 đồng/kg, các nhà máy dựa vào đó để cân đối giá sản xuất và thu mua mía nguyên liệu chứ không thể điều tiết giá được. Người dân thấy giá đường cao nên đã chủ động thu hoạch rải vụ và giữ mía, đợi giá cao mới bán khiến nhà máy chỉ hoạt động được khoảng 70% công suất.
 

Tương tự, tại vùng mía Nghệ An, diện tích mía nguyên liệu niên vụ này đã giảm gần 5.000ha so với niên vụ trước, khiến sản lượng mía cũng giảm trên 200.000 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do suốt một thời gian dài cây mía cho hiệu quả kinh tế thấp, chi phí đầu tư cao nên nông dân đã chuyển đổi sang trồng cây có múi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 3 nhà máy ép, trong đó Nhà máy đường NASU (Công ty TNHH mía đường Nghệ An) có công suất lớn nhất với 1 triệu tấn/năm, tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây vùng mía nguyên liệu của nhà máy đã giảm 6.000ha và hiện chỉ còn khoảng hơn 13.000ha.
 

Ông Anthony John Maple – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mía đường Nghệ An cho biết: “Nguy cơ mất nguyên liệu của nhà máy rất cao khi liên tiếp có thêm nhiều dự án nông nghiệp cạnh tranh được phê duyệt trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Năm ngoái, chúng tôi mất khoảng 85.000 tấn mía cho nhà máy khác vì họ vào mua nguyên liệu”.
 

Cuối tháng 9 vừa qua, để tránh tình trạng tranh mua tranh bán mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã gửi công văn đề nghị các nhà máy đường, công ty kinh doanh mía đường cần ổn định giá bán, không được tạo tâm lý khan hiếm nguyên liệu để “làm giá”. Ông Phạm Quốc Doanh – Chủ tịch VSSA cho biết, Hiệp hội cũng đề nghị các nhà máy đường không tự nâng giá mía khi chưa có sự thống nhất giữa các thành viên, làm phá vỡ giá mua mía đã thống nhất trong vùng.  
 

Với mía đạt 10 chữ đường, hiện các nhà máy đang mua xô cân tại nhà máy là 1.350 đồng/kg; mua tại ruộng là 1.270 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao trong vòng 10 năm trở lại đây.

 

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo