Xây dựng vùng “khoai tây GAP” Đà Lạt
21:45 - 31/10/2016
Mùa mưa Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bước vào giai đoạn kết thúc, cần khẩn trương xây dựng các vùng “khoai tây GAP” Đà Lạt nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ giá trị nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”.
Đà Lạt đang chủ trương mở rộng diện tích khoai tây VietGAP.

Hơn 60% diện tích khoai tây VietGAP

Gần hết mùa vụ khoai tây hè thu năm 2016, tôi liên lạc với ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (vùng sản xuất khoai tây truyền thống của Đà Lạt) và được biết, tổng diện tích sản xuất vụ này của xã khoảng 30ha, bằng 30% so với 10 năm trước và giảm hơn 10ha trong vòng 3 năm trở lại đây. Dù vậy, nhờ tích cực chuyển đổi từ hình thức sản xuất mạnh ai nấy làm sang sản xuất liên kết áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phần lớn nông hộ sản xuất khoai tây mùa mưa ở xã Xuân Thọ đã biết sử dụng nguồn giống đạt chất lượng, kết hợp với đầu tư thâm canh theo chiều sâu, nên năng suất vẫn giữ ở mức cao, từ 15 - 20 tấn/ha (mật độ trồng 45.000 cây/ha).

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Lâm Đồng, vào mùa mưa hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 10), thương lái mua khoai tây Trung Quốc đưa về chợ nông sản Đà Lạt để phân loại bán lại với số lượng đáng kể (năm 2014: 393 tấn, năm 2015: 1.163 tấn, năm 2016: 354tấn). Từ đây, có những lô hàng khoai tây Trung Quốc nhuộm dày lớp đất đỏ Đà Lạt phân phối đến người tiêu dùng với giá bán thấp hơn giá khoai tây Đà Lạt nhiều lần, khiến giá khoai tây ngoài hợp đồng ở Đà Lạt nói chung, ở xã Xuân Thọ nói riêng, thường bị ép giá thu mua.

Vào mùa mưa, diện tích khoai tây Đà Lạt và các vùng phụ cận  chỉ vào khoảng 160- 170ha, tổng sản lượng chưa đến 3.000tấn, nhưng do các khoản đầu tư sản xuất khoai tây mùa mưa năm sau luôn tăng cao hơn năm trước, đặc biệt là các loại chi phí quản lý, phòng trừ dịch bệnh mốc sương gây hại khá tốn kém nên người nông dân không mặn mà. Đó là chưa kể, người sản xuất thường xuyên đối mặt tình trạng khoai tây Trung Quốc giả mạo khoai tây Đà Lạt cạnh tranh thiếu lành mạnh và hay bị thương lái ép giá, hệ quả là, khoai tây mùa mưa vốn đã đạt lãi thấp, nay lại càng giảm. 

Theo thống kê, diện tích khoai tây của Đà Lạt và các vùng phụ cận vào khoảng 1.000ha, trong đó sản xuất vụ đông xuân (mùa khô chính vụ) chiếm 63- 64%, năng suất từ 25-30tấn/ha; còn lại là của vụ hè thu (mùa mưa trái vụ), với năng suất trung bình từ 20tấn/ha. Ước tính, diện tích khoai tây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt khoảng 60%, trong đó gồm hàng trăm hecta diện tích liên kết tiêu thụ theo hợp đồng giữa 2 công ty Pepsico và Orion và các hợp tác xã, tổ hợp tác với nông dân Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương…    

Cần những giải pháp hỗ trợ

Nhìn tổng thể, diện tích khoai tây VietGAP Đà Lạt và các vùng phụ cận vẫn còn khá khiêm tốn, nông dân vẫn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như mô hình của hai công ty Pepsico và Orion nêu trên, dẫn đến sản phẩm bán ra vẫn phụ thuộc vào thương lái.

Ông ­Nguyễn Đức Bình dự báo, vụ đông xuân chính vụ năm 2016- 2017, nông dân xã Xuân Thọ sẽ xuống giống khoảng 150ha khoai tây, trong đó 80% diện tích sản xuất theo hình thức “Tổ hợp tác VietGAP kỹ thuật”, tức là hợp tác, trao đổi các biện pháp thâm canh VietGAP hiệu quả, còn đến giai đoạn tiêu thụ thì do từng hộ gia đình tự chọn thời điểm và thương lái để bán. “Lúc thu hoạch gặp cảnh ép giá, nông dân Xuân Thọ thường cất trữ khoai tây vào từng bao tải chất trong kho cách ly trên nền nhà khô ráo, thoáng khí, che chắn các vật liệu không để ánh sáng mặt trời chiếu vào, chờ giá tăng lên mới bán. Nhưng thời gian lưu kho ở Xuân Thọ cũng chỉ trong vòng một tháng, nếu kéo dài thêm nhiều ngày nữa, khoai tây sẽ bị nảy mầm, không bán được, phải đổ bỏ”, ông Bình nói.

Từ thực trạng vùng trồng khoai tây trọng điểm xã Xuân Thọ thấy, việc tăng cường các giải pháp nhân rộng mô hình VieGAP khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cho cả vùng nông nghiệp Đà Lạt, cũng như các vùng nông nghiệp phụ cận đang trở nên bức thiết. Dự kiến trong năm 2017, ngành nông nghiệp Lâm Đồng tập trung triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp về kỹ thuật canh tác, gắn sản xuất với tiêu thụ và hỗ trợ sử dụng bao bì nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt khi đưa ra thị trường.

Cụ thể, sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất khoai tây chính vụ và trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP, mở rộng đào tạo, tập huấn và chuyển giao cho người sản xuất. Đồng thời tạo ra những mối liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây VietGAP theo mô hình nhóm nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, nhà nông với doanh nghiệp… Cùng với đó là cấp phát bao bì nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt đạt chất lượng VietGAP, kết hợp với tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Đây có thể xem là một tín hiệu mới để nâng cao uy tín của sản phẩm “khoai tây GAP” đặc trưng thế mạnh của Đà Lạt.

 

 



Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo