Xuất khẩu gỗ: Có thể đạt 7,3 tỷ USD
10:23 - 01/11/2016
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt 7,3 tỷ USD - con số cao nhất từ trước đến nay.
Các sản phẩm gỗ của Việt Nam được ưa chuộng bởi mẫu mã phong phú


Giữ đà tăng trưởng

Số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9 đạt 496 triệu USD, đưa giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm đạt 4,9 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2015. Đây được đánh giá là con số chấp nhận được trong bối cảnh nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta đang rơi vào tình trạng suy giảm kim ngạch XK.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc hiện vẫn giữ vững vị thế là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. XK gỗ vào nhiều thị trường khác cũng có mức tăng trưởng cao như Hàn Quốc (18%), Anh (12,4%), Trung Quốc (11,3%) và Australia (9%).

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cho biết, những năm gần đây, ngành gỗ có sự tăng trưởng tương đối ổn định từ 15- 20%/năm. Vượt qua con số kỷ lục 6,9 tỷ USD năm 2015, năm 2016, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ có thể đạt 7,3 tỷ USD và năm 2017, con số này có thể tăng lên gần 8 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ là thị trường XK quan trọng nhất của ngành gỗ, với kim ngạch hàng năm lên tới trên 2 tỷ USD, chiếm trên 30% trong tổng kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Sau vụ việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá khá cao cho nguồn gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc - thị trường gỗ lớn nhất thế giới, gỗ Việt được lựa chọn là nguồn gỗ thay thế vào thị trường này. Đến nay, kim ngạch XK các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao với mức tăng trưởng bình quân 10-15%/năm.

Nhật Bản cũng là thị trường đầy tiềm năng của nước ta khi tốc độ tăng trưởng XK gỗ vào thị trường này trong giai đoạn 2013-2015 đạt bình quân khoảng 13%/năm với nhiều mặt hàng được ưa chuộng như dăm gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ và đồ nội thất văn phòng… Gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam được đánh giá cao bởi giá cả phải chăng, chất lượng tốt, sản phẩm đa dạng.

Quan tâm nguồn gốc gỗ

Hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, TPP đã và sắp có hiệu lực được kỳ vọng sẽ mang lại tăng trưởng mạnh hơn cho ngành gỗ XK.

Cụ thể, hai trong những thị trường lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam hiện nay là Hoa Kỳ, Nhật Bản và thị trường đang có kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ duy trì tăng trưởng ở mức cao là Australia đều là thành viên của TPP nên khi Hiệp định này có hiệu lực, với mức giảm thuế rõ ràng, cơ hội cho gỗ Việt gia tăng kim ngạch XK là rất lớn. Hoặc Nga là thị trường đầy tiềm năng của gỗ Việt bởi nhu cầu của thị trường rất cao. Khi FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có hiệu lực cũng giúp kim ngạch XK đồ gỗ tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, ông Quyền cũng cho hay, thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách cho ngành gỗ đã khá thông thoáng, giúp tạo điều kiện để doanh nghiệp XK hoạt động thuận lợi hơn. Những yếu tố này đang góp phần mở rộng cơ hội XK cho toàn ngành.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý, để hưởng các ưu đãi thuế quan từ các FTA, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng. Ông Tô Xuân Phúc - Đại diện Tổ chức Forest Trends - khuyến cáo, Chính phủ và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tính minh bạch của sản phẩm XK thông qua việc khai báo nguồn gốc và tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu; lựa chọn nguồn nguyên liệu hợp pháp và trong phạm vi các FTA này cho phép để được hưởng ưu đãi thuế quan. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp các thông tin quan trọng cho các doanh nghiệp về các yêu cầu từ thị trường để tránh tình trạng gỗ Việt tăng trưởng “nóng” vào một số thị trường sẽ bị áp thuế chống bán phá giá.

Cơ hội cho XK gỗ và sản phẩm từ gỗ còn rất lớn khi nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới còn rất cao với khoảng 240 tỷ USD/năm, trong đó thị trường Mỹ không dưới 30 tỷ USD/năm, EU không dưới 85 tỷ USD/năm.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo