Diện tích mở rộng với tốc độ chóng mặt cùng việc đầu tư thâm canh quá mức đang đẩy cây tiêu sinh trưởng tới mức mất cân đối, dễ nhiễm sâu bệnh. Yêu cầu phát triển bền vững đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tổ chức lại sản xuất ngành tiêu...
Tìm giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là chủ đề chính của Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT Bình Phước tổ chức ngày 31.10.
Diện tích vượt quá xa tầm nhìn
Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, thấy lợi ích từ việc có những vườn tiêu thâm canh đạt 8 - 10 tấn/ha, thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha... đã làm diện tích tiêu tăng nhanh, bất chấp trồng cả ở những vùng đất không phù hợp.
Việc tăng diện tích ngoài quy hoạch, thâm canh khai thác quá cao để đạt năng suất tối đa, đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật quá mức cần thiết đã gây nên những rủi ro lớn cho sản xuất tiêu. Một ví dụ điển hình là tình trạng chết nhanh, chết chậm xảy ra khốc liệt ở các năm 2014, 2015 làm chết và giảm năng suất trên chục nghìn ha. “Hiện nay bệnh hại tiêu vẫn đang gây thiệt hại ở nhiều nơi và có thể bùng phát bất kể lúc nào nếu không kiểm soát chặt chẽ, nông dân không tuân thủ quy trình phòng chống bệnh đã được ngành nông nghiệp khuyến cáo” - ông Khởi nói.
Theo ông Nguyễn Như Hiến - cán bộ Cục Trồng trọt, nguyên nhân chính phá vỡ quy hoạch là do giá một số loại cây trồng xuống thấp, không ổn định như cao su..., trong khi giá hồ tiêu tăng cao liên tục nhiều năm, tiêu thụ dễ cho nên nông dân mở rộng điện tích trồng.
Bà Nguyễn Mai Oanh (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam) cho hay, so với các cây công nghiệp khác, hồ tiêu với diện tích khoảng 85.000ha (năm 2015), chiếm khoảng 5% trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp chủ lực, nhưng lại chiếm trên 10% giá trị xuất khấu, và là cây trồng đạt giá trị cao nhất trong các cây trồng xuất khẩu.
Với thị trường xuất khẩu, hàng loạt hàng rào kỹ thuật lại đang dựng lên ngày một cao ở tất cả các châu lục. Chất lượng từ khâu sản xuất trên đồng ruộng tới nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất khẩu nếu không được cải thiện, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu sẽ đi xuống. Lúc đó với diện tích mở rộng lạt lại thiếu kiểm soát chất lượng như hiện nay, nguồn cung hồ tiêu của nước ta sẽ dư thừa, gây rủi ro lớn cho hàng ngàn hộ nông dân trồng hồ tiêu. “Việc sản xuất theo hướng an toàn, có chứng nhận chưa được thực hiện tốt là cảnh báo hàng đầu có tính quyết định đối với ngành hồ tiêu” -bà Oanh nhấn mạnh.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông và làm chuỗi giá trị
Đến vườn tiêu của anh Bùi Văn Lâm ở xã An Phú (huyện Hớn Quản, Bình Phước), nhiều người trầm trồ khen ngợi vườn tiêu 15 tuổi vẫn xanh tốt và cho trái xum xuê. Anh Lâm cho biết, đến năm 2013, khi tham gia dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững do Trung tâm Khuyến nông -khuyến ngư tỉnh và Công ty chế biến gia vị Nedspice phối hợp triển khai, thói quen canh tác mới dần thay đổi, sản lượng hàng năm ổn định 2,8 – 3,5 tấn/ha, chất lượng được bảo đảm an toàn...
“Qua 4 năm thực hiện sản xuất bền vững theo bộ tiêu chí RA (Rừng mưa nhiệt đới), cái được lớn nhất là các thành viên CLB nhận thức sâu sắc việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn”-anh Lâm nói.
Bà Lê Thị ánh Tuyết – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Bình Phước cho biết: Dự án phát triển chuỗi cung ứng bền vững đến nay đã có 24 CLB sản xuất tiêu bền vững ở 3 huyện, với 523 hộ nông dân đạt chứng nhận tiêu chuẩn RA.
Ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh: Để giải quyết vấn đề bất cập trong sản xuất cây tiêu hiện nay, cần có sự phối hợp nhịp nhàng các cơ quan. Trong đó công tác khuyến nông sẽ chú trọng tới các hoạt động cụ thể, các mô hình sản xuất hiệu quả vì “khuyến nông là lực lượng trực tiếp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bà con”.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, để ngành hồ tiêu phát triển bền vững, 3 đối tượng chính tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất thương mại hồ tiêu (nông dân, nhà nước và doanh nghiệp) cần thay đổi mạnh hơn cung cách hoạt động. Trong đó, nông dân có vài trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm hạt tiêu có giá trị. Chỉ khi người trồng tiêu nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu, kiên quyết sản xuất đúng quy trình GAP, mạnh dạn liên kết doanh nghiệp để cùng sản xuất theo hướng bền vững thì từng thành viên trong chuỗi giá trị mới có thể tồn tại và phát triển.