Người dân Hưng Yên đang có mùa nhãn ngọt khi giá bán sản phẩm ở mức cao, thị trường hút hàng. Càng vui hơn khi chính quyền địa phương đang nỗ lực vào cuộc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để “nâng tầm” cho trái nhãn.
|
Ông Nguyễn Văn Thầm, đội 8, thôn An Cảnh (Hàm Tử - Khoái Châu) với niềm vui được mùa nhãn. |
Giá nhãn VietGAP cao hơn 10 - 15%
Ông Lê Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, ước tính: Khoái Châu là một trong 3 huyện trồng nhãn nổi tiếng của Hưng Yên. Năm nay, tổng sản lượng nhãn của huyện đạt khoảng 18.000- 20.000 tấn. Nhãn ngon bán tại vườn giá 40.000- 50.000 đồng/kg, nhãn có chất lượng khá từ 25.000-30.000 đồng/kg, loại nhãn có chất lượng trung bình khoảng 18.000- 20.000 đồng/kg, riêng với nhãn sản xuất theo VietGAP, giá bán luôn cao hơn nhãn sản xuất đại trà từ 10- 15%. “Dự kiến, chúng tôi thu khoảng 400 tỷ đồng từ nhãn”, ông Đăng khẳng định.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Kim Nga, ở xã Tân Dân, cho biết: Năm nay gia đình thu được khoảng 5-7 tấn nhãn, thời điểm đầu vụ bán với giá 30.000 đồng/kg, còn hiện tại là 18.000 - 20.000 đồng/kg nên có được khoản thu đáng kể.
Còn ông Lê Đình Tư, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hàm Tử, chia sẻ: Năm 2016, do ảnh hưởng của bão số 1 nên sản lượng nhãn của xã đạt 4.500-5.000 tấn, thiệt hại khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, do được sự quan tâm hỗ trợ của huyện, nhất là việc xây dựng chợ nông sản Khoái Châu nên nhà vườn có chỗ giao lưu, mua bán sản phẩm, kết nối doanh nghiệp về với địa phương. Nhờ đó, việc tiêu thụ nhãn thuận lợi hơn khá nhiều. Được biết, đây là năm thứ 2 chợ nông sản Khoái Châu đi vào hoạt động, thương lái từ khắp các tỉnh, thành đến thu mua, trung bình 1 ngày có từ 200- 300 xe về “ăn” hàng.
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của chúng tôi, việc giao thương buôn bán nhãn tại chợ vẫn mang tính tự phát, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thương lái. Công tác quản lý chất lượng của Ban quản lý chợ chỉ mới dừng ở cảm quan, nghĩa là thấy nhãn có màu sắc lạ thì không cho mang vào chợ, chứ chưa có biện pháp cụ thể nào để quản lý.
Ông Lê Hải Đăng cho hay, hiện nhãn Hưng Yên chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… thông qua các kênh buôn bán nhỏ lẻ như các thương nhân đến thu gom trực tiếp tại vườn, sau đó vận chuyển trực tiếp bán lẻ hoặc bán buôn cho các đầu mối thu gom tại chợ nông sản Khoái Châu thuộc địa bàn xã An Vĩ, sau đó vận chuyển đi các tỉnh, một lượng nhỏ nhãn tươi được xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch không ổn định. Năm 2015, nhãn của huyện lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhưng số lượng chưa nhiều, khoảng 500kg.
Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lưu Ly, chủ đầu tư chợ nông sản Khoái Châu nêu một thực tế, nhãn là sản phẩm chủ đạo của Khoái Châu và Hưng Yên, tuy nhiên, cách giao dịch mua bán như hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào thương lái. Để đẩy mạnh tiêu thụ nhãn Hưng Yên nói riêng và các nông sản khác, giúp nông dân trồng nhãn không bị thương lái ép giá, tìm đầu ra ổn định cho trái nhãn thì công tác xúc tiến thương mại, liên kết doanh nghiệp với người trồng nhãn đang là bài toán đặt ra đối với các cơ quan chức năng của huyện Khoái Châu cũng như tỉnh Hưng Yên.
Cần nhanh chóng xây dựng chỉ dẫn địa lý
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản tiêu biểu của huyện Khoái Châu tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn Khoái Châu, đồng thời huyện cần tăng cường hợp tác, thúc đẩy xúc tiến thương mại, tuyên truyền để nông dân nêu cao ý thức trách nhiệm sản xuất sản phẩm chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Mai Quế Anh, Giám đốc điều hành Tổng công ty thương mại Hà Nội, chia sẻ: Chúng tôi đã đi mua nông sản theo cách bao tiêu nhà vườn nhưng khi về đến siêu thị, cộng với giá vận chuyển bốc dỡ, hao hụt nên giá thành sản phẩm đội lên khá cao. Do đó, mặc dù “mua tận gốc, bán tận ngọn” nhưng giá bán nông sản tại siêu thị không cạnh tranh được với giá bán ngoài thị trường.
“Ví dụ như trái nhãn, nếu chúng tôi mua tại vườn với giá khoảng 30.000- 32.000 đồng/kg thì khi về đến siêu thị cộng hết chi phí, giá thành lên đến 70.000-75.000 đồng/kg, trong khi đó giá ngoài thị trường cũng chỉ 35.000 đồng/kg khiến siêu thị rất khó cạnh tranh”, bà Quế Anh nêu một thực tế.
Bà Quế Anh cũng kiến nghị địa phương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc công bố những nhà vườn đạt chất lượng để các công ty không mất thời gian đi tìm kiếm. Mặt khác, cần hướng dẫn bà con đóng gói sản phẩm đúng quy cách, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và tuân thủ thời gian cách ly để đảm bảo trái nhãn an toàn, chất lượng.
Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (quản lý chuỗi siêu thị Fivimart), công ty sẵn sàng kết nối thu mua nông sản vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chuỗi nhà hàng của công ty, tuy nhiên, để hàng hóa vào được kênh phân phối này, nhà cung ứng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, để người tiêu dùng biết đến bởi đến thời điểm này, nhãn Hưng Yên mới bắt đầu chín, nhưng trước đây cả tháng, trên thị trường Hà Nội đã xuất hiện nhan nhản loại nhãn được gắn mác “nhãn Hưng Yên”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của đặc sản địa phương.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, chia sẻ, đây là năm thứ 2 huyện tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản Khoái Châu, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua, các nhà phân phối… tìm hiểu thông tin, kết nối cung cầu, thúc đẩy và mở rộng hợp tác trong tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương; mở rộng thị trường tới các trung tâm tiêu thụ lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP, Hồ Chí Minh…, tiến tới xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị quả nhãn và các nông sản khác, tăng thu nhập cho nông dân.
Trước những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, ông Vũ Đức Sơn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, cho biết: Thời gian tới, song song với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương trồng nhãn thúc đẩy việc nâng cao chất lượng quả nhãn, vì chất lượng sẽ quyết định thị trường. Đặc biệt, cần phải đẩy nhanh công tác xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với nhãn Hưng Yên. Đây sẽ là công cụ để khẳng định vị trí chất lượng của nhãn Hưng Yên mà không địa phương nào có được.
Để đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản nói chung và với trái nhãn nói riêng, ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên, nêu rõ: Cần tăng cường liên kết “4 nhà”, nối liền sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất - nhập khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hợp tác kết nối giao thương với các doanh nghiệp và siêu thị, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tiến tới đưa sản phẩm nhãn, chuối và các nông sản khác ra tiêu thụ ở các nước trong khu vực và một số thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Về định hướng phát triển vùng chuyên canh nhãn, ông Lê Hải Đăng, Phó chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, cho biết: Trước mắt, giữ ổn định diện tích nhãn 1.600ha như hiện nay, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tuyển chọn giống có năng suất, chất lượng và đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng vùng sản xuất theo VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm.
|