Đồng Tháp: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
09:27 - 29/08/2016
(TNNN) - Là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung ương lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện “Đề án tái cơ cấu nông nghiệp”, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng với các đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Cánh đồng lúa trĩu hạt vào vụ thu hoạch


Đồng Tháp được biết đến là một vựa lúa của cả nước và cũng là vùng đầy triển vọng với những thương hiệu cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít Lai Vung, bưởi Phong Hòa và cây công nghiệp ngắn ngày. Cùng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp chịu sự tác động mạnh do tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp xác định rất rõ việc hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống dân cư nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 5% trở lên, thu nhập nông dân tăng gấp 2 lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% mỗi năm...




Để tái cơ cấu thành công, Đồng Tháp đã xác định phải theo cơ chế thị trường. Trong đó, tín hiệu thị trường phải thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp là người tìm thị trường, rồi mang giống về thuê nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Có như vậy thì “đầu vào” và “đầu ra” mới hòa nhịp. Mặc dù vậy, quyết tâm thực hiện kế hoạch đã đề ra, Đồng Tháp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm đạt 6,02%. Tỉnh đã tập trung xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ hàng hoá với các hệ thống phân phối lớn như Co.op Mart, Big C, Satra, Maximart, Hapro... góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng trên 10% so với cùng kỳ.




Là địa phương đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, Đồng Tháp đã thu hút được 35 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác với tỉnh. Sáu tháng qua, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án, có 187 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 4.207 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 32.600 tỷ đồng.




Tái cơ cấu nông nghiệp ở Đồng Tháp được tập trung trên 5 mặt hàng chủ lực: Lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt. Những chỉ tiêu đạt được từ định hướng đúng đắn này chính là những điểm sáng của kinh tế nông nghiệp ở Đồng Tháp và được đại diện các bộ, ngành đánh giá rất cao; cho rằng cần nhân rộng trên địa bàn cả nước. Tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp người dân ở Đồng Tháp tăng thêm lợi nhuận trên 1 ha đất trồng trọt khoảng 10 triệu đồng/năm và trên 1 ha nuôi trồng thủy sản tăng khoảng 3,2%/năm.




Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm từ 70% vào năm 2011 xuống còn 52,5% vào cuối năm 2015. 100% diện tích sản xuất lúa ở Đồng Tháp đã cơ giới hóa khâu làm đất; hơn 97% thu hoạch bằng máy, 83% diện tích tưới tiêu bằng bơm điện. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các chương trình liên kết sản xuất – tiêu thụ lúa gạo không ngừng tăng lên, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng so với sản xuất truyền thống. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh ở mức 35 triệu tấn, xếp thứ 3 cả nước.




Đồng Tháp đã xây dựng và quảng bá được thương hiệu xoài Cao Lãnh rộng khắp cả nước và khu vực châu Á, diện tích trồng xoài tăng gần 800 ha. Diện tích hoa kiểng tăng 138% với thương hiệu hoa kiểng Sa Đéc nổi tiếng. Mặt hàng cá tra được coi là bước phát triển nhảy vọt ở Đồng Tháp, nhờ triển khai tốt khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ với tổng sản lượng năm 2015 đạt 400.227 tấn, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng chú ý, tỉnh còn phát triển được nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra như dầu cá Ranee, colagen, genlatin.





Như vậy, những  thành tựu khá toàn diện của Đồng Tháp là những kinh nghiệm quý, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của các cấp chính quyền Đồng Tháp đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm góp phần nâng cao giá trị nông sản, mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân.




 
Phúc Vinh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo