|
Năm 2016 ngành hồ tiêu đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Tình hình thu hoạch hồ tiêu hiện đã gần xong. Năm nay việc sản xuất hồ tiêu trong nước gặp thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng xấu đến năng suất, trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao.
Theo báo cáo từ ngành nông nghiệp, diện tích hồ tiêu cả nước có 100.000 ha, trong đó diện tích thu hoạch là 64.500 ha, tăng 16.220 ha so với năm 2015. Do diện tích canh tác tăng nên sản lượng tiêu vụ mới năm 2016-2017 sản lượng vẫn không giảm. Tuy nhiên, mùa vụ mới không thể đạt trên 168.000 tấn như dự báo.
Năm nay tuy diện tích tăng nhưng sản lượng chỉ đạt khoảng 130.000 tấn (năm 2015, sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của cả nước đạt 133.569 tấn). Sản lượng giảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có khoảng 50% diện tích hồ tiêu đang thu hoạch bị già cỗi, tức khai thác trên 15 năm dễ bị sâu bệnh. Hiện chỉ có 30% diện tích vườn tiêu đang trong thời kỳ cho năng suất cao (những vườn tiêu này từ 5-10 tuổi). Diện tích trồng tiêu mới chưa cho thu hoạch chiếm khoảng 20%, trong đó có hơn 10% là trồng mới từ năm 2014-2015.
Hiện nay, tuy đã hết mùa thu hoạch nhưng giá tiêu vẫn ở mức 150.000 đồng/kg, không thể tăng trở lại thời kỳ hoàng kim hồi năm 2014 và đầu năm 2015. Thời điểm này, có lúc giá tiêu lên đến trên 200.000 đồng/kg.
Điển hình tại Quảng Trị, năm nay người dân trồng tiêu phải đối mặt với nỗi lo mất mùa, mất luôn cả giá. Hiện giá mỗi kg hạt tiêu khô đang ở vào tầm 160.000 - 170.000 đồng/kg. Năm nay mất mùa nhưng giá tiêu khô lại thấp hơn các năm trước từ 20.000 - 30.000 đồng, thậm chí là thấp hơn 50.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hồ tiêu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng giá tiêu xuống thấp một phần là do thị trường thế giới đã bão hòa. Mặt khác, do lợi nhuận từ cây trồng này mang lại khá lớn nên bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền, người dân vẫn ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu.
Năm 2016, Việt Nam sẽ tham gia 16 Hiệp định tự do thương mại, đem đến hàng loạt cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho ngành hồ tiêu vốn dành tới 95% cho xuất khẩu, đặc biệt là vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sử dụng hóa chất trong canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu không tuân thủ quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm nên tỷ lệ hạt tiêu không đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta hiện đang khá cao, khiến hồ tiêu khó chiếm lĩnh thị trường ở các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản. Điển hình là hiện nay Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu 8.000-9.000 tấn hạt tiêu/năm, nhưng chỉ mua từ Việt Nam chưa tới 1.000 tấn vì nước ta không đủ nguồn hạt tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà phía Nhật Bản quy định. Một điều đáng lo ngại là việc vận động, thuyết phục nông dân trồng tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đang rất khó khăn.
Ngoài ra, việc kiểm soát chất lượng một số loại cây giống vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2015 hồ tiêu được giá đã khiến nông dân đổ xô vào trồng làm cho cây tiêu giống trở nên khan hiếm và tăng giá lên gấp nhiều lần.
Tại các huyện của tỉnh Đắk Nông như Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song, Chư Jút, Krông Nô… các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn hiện giống cây tiêu gần như “cháy hàng”. Nếu như những năm trước, giống tiêu Vĩnh Linh có giá 3.500 – 5.000 đồng/bầu giống thì thời điểm này đã tăng lên 15.000 đồng/bầu, có thời điểm giá bán lên tới 25.000 đồng/bầu, nhưng nếu mua với số lượng lớn thì phải chờ hàng tuần mới có cây giống.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho biết, thực tế nhiều năm nay, vấn đề nghiên cứu và sản xuất giống hồ tiêu tại Đắk Nông đang bị bỏ ngỏ, chủ yếu là do người dân tự phát, tự sản xuất để cung ứng cho gia đình và nhu cầu của nông hộ trong vùng. Ngoài ra, một số hộ dân mua giống ở Đồng Nai, Bình Phước hay Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và nhập từ các cơ sở kinh doanh cây giống nơi khác về… Do đó, công tác quản lý chất lượng giống hồ tiêu hiện đang gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Mặt khác, nhiều cơ sở vì lợi nhuận đã xử lý vườn giống bằng các loại thuốc tăng trưởng, kích thích cho cây ra lá để tạo sự “bắt mắt”, thu hút người mua. Khi đưa về trồng thì cây giống chết hàng loạt do bộ rễ chưa kịp phát triển.
Theo dự báo, thời gian tới giá hồ tiêu trong nước có thể sẽ được cải thiện do nhu cầu thế giới tiếp tục tăng trong khi sản lượng toàn cầu lại giảm. Nhưng giá trong nước khó có khả năng tăng cao như năm ngoái do tình hình xuất khẩu không khả quan bởi trở ngại của vấn đề về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA, giải pháp cấp bách về quản lý chất lượng hồ tiêu xuất khẩu chính là sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc nhanh chóng cho rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật dùng riêng cho cây hồ tiêu. Gấp rút loại bỏ ngay khỏi danh mục một số thuốc chứa hoạt chất mà nhiều nước nhập khẩu đã ngăn cấm. Đồng thời, đưa hồ tiêu vào loại thực phẩm ăn liền, tươi sống như chè, rau, quả để có thể áp dụng quy trình kiểm soát tương tự.