Từ năm 2013 đến nay, do giá tiêu luôn ổn định ở mức cao nên nhiều hộ nông dân ở Phú Yên đổ xô trồng. Diện tích tăng càng nhanh, tiềm ẩn rủi ro càng lớn khiến ngành chức năng tỉnh này không khỏi lo lắng.
Diện tích tăng, dịch bệnh dày
Theo thống kê của ngành chức năng, trong những năm qua, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Phú Yên tăng nhanh đến chóng mặt, hơn 900ha. Trong đó huyện Tây Hòa hơn 700ha, riêng Cty CP Vinacafe Sơn Thành nằm trên địa bàn xã Sơn Thành Tây đã có hơn 500ha; huyện Sông Hinh 150ha, còn lại được trồng rải rác ở các huyện khác.
Đến nay Phú Yên vẫn chưa có quy hoạch cụ thể về phát triển hồ tiêu, nhưng theo quy hoạch chung của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020 Phú Yên được phân bổ trồng 400ha. Tuy nhiên, mới đến năm 2016 mà diện tích hồ tiêu ở tỉnh đã tăng hơn gấp 2 lần so với quy hoạch chung. So với Tây Nguyên, diện tích hồ tiêu ở Phú Yên rất nhỏ, nhưng so trong khu vực miền Trung thì tỉnh này nằm trong “top ten” các địa phương bùng nổ mạnh cây hồ tiêu.
Ông Nguyễn Trình, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa cho biết: “Từ năm 2013 trở về trước trên địa bàn chỉ có khoảng 250ha hồ tiêu. Diện tích hồ tiêu tăng nhanh do mấy năm nay giá cả ổn định, có lúc lên đến 250.000 - 300.000 đ/kg đang đứng ở giá bình quân trên 200.000 đ/kg. Thêm vào đó, nền đất đỏ bazan ở đây cũng phù hợp với cây tiêu, những vùng đất pha sỏi đá ong trồng tiêu càng tốt”.
Khi diện tích hồ tiêu trên địa bàn càng tăng thì dịch bệnh xuất hiện càng nhiều. Cũng theo ông Nguyễn Trình, những hộ dân trồng tiêu tự phát chủ yếu tự nhân giống từ những giống tiêu địa phương và kỹ thuật làm đất chưa đúng quy trình, không làm rãnh thoát nước, nên trong 2 năm gần đây cây tiêu trên địa bàn bùng phát dịch bệnh.
|
Tiêu càng phát triển diện tích dịch bệnh xuất hiện càng dày |
Bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên cho biết thêm, hiện Phú Yên được đánh giá là 1 trong 2 tỉnh có nhiều diện tích tiêu bị bệnh nhiều nhất trong khu vực với khoảng 400ha nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh tuyến trùng các cấp và bệnh chết nhanh, chết chậm.
Hướng phát triển bền vững
Điều đáng quan ngại là khi tiêu bị bệnh, nông dân không áp dụng các biện pháp phòng trừ do ngành BVTV khuyến cáo, chủ yếu dựa vào các đại lý bán thuốc BVTV, do đó không mang lại hiệu quả. Đơn cử như hộ ông Bùi Văn Nam ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), từ năm 2010 ông Nam đã trồng 800 trụ tiêu, hiện đã bị chết mất 40 trụ.
“Ban đầu thấy tiêu bị vàng lá, sau khi hỏi thăm những hộ trồng tiêu trong vùng, tôi ra đại lý miêu tả chứng bệnh của cây tiêu, mua thuốc. “Bắt bệnh” xong, đại lý bán thuốc về phun nhưng tiêu chết vẫn chết”, ông Nam kể.
|
Nhiều diện tích hồ tiêu được trồng mới tại Phú Yên |
Trước tình hình trên, Chi cục BVTV Phú Yên vừa tổ chức đợt điều tra dịch bệnh trên cây tiêu. Kết quả cho thấy sở dĩ dịch bệnh trên cây tiêu không được khống chế là do tiêu bị bệnh một đằng nông dân đi chữa một nẻo. Khi tiêu bị bệnh, nông dân không sử dụng đúng loại thuốc đặc trị nên phòng trừ không hiệu quả. Nhiều người trồng tiêu dùng thuốc Viben để trừ tuyến trùng, thuốc Anvil trừ bệnh thán thư, thuốc Nevo trừ bệnh gỉ sắt... Trong khi đó, trừ tuyến trùng phải dùng thuốc Vimoca, Regal; bệnh thán thư phải dùng thuốc Vicarben, Kocide, Mirage…
“Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý không chỉ làm sâu bệnh ngày càng kháng thuốc, mà còn ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người, đồng thời hiệu quả phòng trừ thấp”, bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Phú Yên nói.
Cũng theo bà Huyền, giữa tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã về kiểm tra tình hình phát triển cây hồ tiêu tại Phú Yên và cho biết Cục BVTV đã ban hành quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, trong đó bao gồm các giải pháp chủ yếu liên quan đến công tác phòng bệnh.
“Phú Yên cần phải phát triển mạnh mô hình vừa SX hồ tiêu an toàn, vừa phòng trừ được bệnh chết nhanh, chết chậm; áp dụng quy trình phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm của Cục BVTV ban hành để nâng cao giá trị và hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững”, ông Dương khuyến cáo.
“Thời tiết ở Phú Yên không giống Tây Nguyên, vụ thu hoạch tiêu ở Tây Nguyên đã xong từ lâu nhưng ở Phú Yên kết thúc vào cuối tháng 8.
Sang tháng 9 tháng 10 là đến mùa mưa, muốn phòng trừ tuyến trùng, bệnh thường thấy trên cây tiêu ở Phú Yên phải đợi đến cuối mùa mưa. Bởi bệnh tuyến trùng thường lây lan qua nước, sau mùa mưa cây tiêu mới thể hiện bệnh nên mới có thể áp dụng biện pháp phòng trừ”, bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền.
|