Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu
15:22 - 01/09/2016
 Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã mang đến nhiều khó khăn, thách thức cho ngành thủy lợi.
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp”

Đó là những vấn đề được chỉ ra tại hội thảo khoa học “Thủy lợi Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu và yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 26/8. Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có hơn 6.600 hồ chứa nước, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000km kênh mương, gần 26.000km đê các loại. Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới cho 7,5 triệu hecta lúa, 1,7 triệu hecta hoa màu và cây công nghiệp… Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Trong phòng chống thiên tai, đầu tư công trình thủy lợi đã và đang thực hiện theo chiều sâu, trong đó lồng ghép phòng chống thiên tai vào hoạt động của các cấp, các ngành thông qua xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp, quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nâng cao năng lực dự báo và hoàn thiện thể chế.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, ngành thủy lợi đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã chứng kiến một năm đầy thiên tai, từ hạn hán xâm nhập mặn khốc liệt ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long đến bão lũ, sạt lở đất trong mùa mưa bão. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ đến sản xuất và đời sống, trong khi yêu cầu của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng cao.
Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa trong nâng cao tính chủ động sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý. Theo đó, thủy lợi ngày càng phải đáp ứng sát hơn các yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ về thể chế, xây dựng nguồn nhân lực và thúc đẩy cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh xã hội hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo và phân tích và quản lý…
“Ngành thủy lợi đang hoạt động theo cơ chế hành chính bao cấp, để đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Trong đó cốt lõi phải huy động được sự tham gia của người dân và DN, biến nước trở thành hàng hóa gắn với an sinh xã hội và an ninh lương thực. Mục tiêu đặt ra là phải huy động được nguồn lực, sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội tạo tiền đề cho phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Nguồn: KTĐT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo