Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới là tái cơ cấu đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân vào ngành.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng với Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp vừa qua. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013, Bộ NN&PTNT đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới tất cả các đơn vị thuộc Bộ và 63 Sở NN&PTNT.
Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng và phê duyệt 6 Đề án tái cơ cấu các lĩnh vực nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp và lộ trình tái cơ cấu trong từng lĩnh vực bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản và muối. Ở các địa phương, đến nay, đã có 62/63 tỉnh, TP đã ban hành đề án (hoặc kế hoạch hành động) tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau 3 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Trong 3 năm 2013 - 2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013 - 2015 đạt 88,3 tỷ USD, trung bình đạt gần 29,5 tỷ USD/năm.
Đáng chú ý, việc thu hút đầu tư tư nhân được quan tâm theo Nghị định 210/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ. Hiện đã có nhiều DN lớn quan tâm đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương. Bộ NN&PTNT đang tích cực hợp tác với các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia triển khai các mô hình đối tác công tư từ sản xuất đến tiêu thụ đối với rau, hoa quả, cà phê, chè, thủy sản và nhóm hàng hóa khác. Đồng thời đang xây dựng Nghị định về thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều địa phương cũng đã chủ động ban hành và thực thi các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết thêm, trong quản lý đầu tư công, ngay từ năm 2013, Bộ đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, từng bước điều chỉnh vốn đầu tư công cho các công trình phục vụ tái cơ cấu, ưu tiên cho các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh và đem lại giá trị gia tăng cao, nhất là thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản cũng như các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế, giảm dần đầu tư vào các nhiệm vụ, hoạt động mà tư nhân có thể làm được.
Trên thực tế, đối với phần vốn ngân sách do Bộ NN&PTNT quản lý đã điều chỉnh theo cơ cấu trên. Trong lĩnh vực thủy lợi - lĩnh vực chiếm phần lớn vốn ngành, kinh phí đầu tư thủy lợi cho phục vụ nuôi trồng thủy sản chiếm 4,8% giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến sẽ tăng lên 10% giai đoạn 2016 - 2020, thủy lợi cho cây trồng cạn chiếm tỷ lệ 6,8% sẽ tăng lên 7,9%... Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún đã được khắc phục. Hiện Bộ NN&PTNT quản lý nguồn vốn lớn (đứng thứ 2, sau Bộ GTVT) nhưng không có nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT kiên trì giải pháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công. Tại buổi làm việc, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ KH&ĐT quan tâm vận động các nguồn vốn Nhà nước cho ngành nông nghiệp, tập trung cho thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nông thôn mới và tăng cường năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sớm sơ kết thực hiện chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ để rà soát, điều chỉnh để tạo điều kiện hơn nữa cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.