Trong điều kiện hết sức khó khăn, Hà Tĩnh đã nỗ lực phấn đấu, tạo được những bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội khá toàn diện.
|
Ông Lê Đình Sơn (trái) kiểm tra NTM tại xã Thạch Văn, Thạch Hà (Hà Tĩnh). |
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991 - 2016), PV Báo Nông Thôn Ngày Nay đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Đình Sơn- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh.
Thưa ông, những năm gần đây, Hà Tĩnh nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư; là tỉnh được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất về xây dựng nông thôn mới (NTM). Kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh, ông có thể cho biết những thành quả đáng tự hào đã đạt được?
- Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Trung ương, sự hợp tác của các địa phương trong nước, các tổ chức quốc tế, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, nắm bắt cơ hội, nỗ lực phấn đấu giành được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, bức tranh toàn cảnh của Hà Tĩnh đã thay đổi toàn diện, nhất là về kinh tế đã có bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,6%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực đầu tư phát triển đạt khá, giai đoạn 2011 - 2015, tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 đạt trên 12.000 tỷ đồng, tăng gấp 6,1 lần so với năm 2010.
"Từ năm 2005 đến nay, bức tranh toàn cảnh của Hà Tĩnh đã thay đổi toàn diện, nhất là về kinh tế đã có bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 9,6%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực".
Ông Lê Đình Sơn
|
Xây dựng NTM thực sự đã trở thành phong trào sâu rộng, được nhân dân tích cực tham gia hiến công, góp của, cùng suy nghĩ, chủ động trong cách làm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp đồng bộ.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 11.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có nhiều mô hình cho doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm; có 52 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 22,6%, không còn xã dưới 8 tiêu chí. Phấn đấu cuối năm 2016 sẽ có thêm 20 xã về đích NTM.
Từ thu ngân sách chỉ đạt 18 tỷ đồng trong những năm đầu tái lập tỉnh, bí quyết nào để Hà Tĩnh đạt được mức thu ngân sách trên 12.000 tỷ đồng năm 2015, thưa ông?
- Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2005 - 2010), song song với coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá, Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực tạo bước phát triển đột phá về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Từ đó, Khu kinh tế Vũng Áng được đầu tư phát triển trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển của tỉnh, khu vực và cả nước; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn phía Tây của tỉnh.
Hiện nay, Hà Tĩnh có một số dự án lớn như bến cảng số 3, số 4 cảng Vũng Áng của Công ty Việt - Lào, Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn tại khu kinh tế Vũng Áng…
Formosa đã gây ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng. “Sự cố” đó đã làm ảnh hưởng tiến trình tăng trưởng của Hà Tĩnh?
-Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh chính trị, đối ngoại, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ cho tỉnh Hà Tĩnh mà còn ảnh hưởng đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, làm “dậy sóng” dư luận. Đây là sự cố để lại hậu quả nặng nề.
Theo tôi, đây là bài học đắt giá, sâu sắc, phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong thu hút đầu tư và quá trình quản lý xây dựng, quản lý nhà nước về môi trường. Chúng ta không được quên rằng: Phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững phải đảm bảo hài hòa ba thành tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Xin ông cho biết rõ hơn về vai trò, vị trí của Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó có dự án Formosa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh?
- Xuất phát điểm Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, khó khăn, các thế hệ lãnh đạo tỉnh tiền nhiệm đã có nhiều trăn trở, phải làm sao để Hà Tĩnh có sự đột phá mạnh mẽ về kinh tế để thoát nghèo, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế, nhất là về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý tại huyện Kỳ Anh, trong đó có cảng biển nước sâu Sơn Dương, có đường 12 nối với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; mặt khác, xét về lợi thế thì vùng đất này không thuận lợi để sản xuất nông nghiệp.
Theo đề xuất của Hà Tĩnh, ngày 3.4.2006, Chính phủ có Quyết định số 72/QĐ-TTg xác lập Khu kinh tế Vũng Áng, với diện tích 22.781ha. Tại thời điểm đó, có một số nhà đầu tư đã tìm hiểu để đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng, trong đó có Tập đoàn Formosa.
Sau khi có ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh đã đồng ý về mặt nguyên tắc và Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã cấp phép cho Formosa triển khai dự án, kéo theo hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư với số vốn đăng ký lên tới hàng chục tỷ USD. Năm 2015, Dự án này đã góp phần không nhỏ đưa tổng thu ngân sách của Hà Tĩnh dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, với trên 12.000 tỷ đồng.
Sau sự cố môi trường xảy ra, Hà Tĩnh đã và đang triển khai tích cực các hoạt động nhằm ổn định đời sống nhân dân, phục hồi phát triển sản xuất và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường. Ông có thể cho biết thêm về vấn đề này?
- Khi xảy ra sự cố môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập ngay Ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban; ban hành một số chủ trương, chính sách để hỗ trợ người dân bị thiệt hại; phân công cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại; đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tập trung chỉ đạo phục hồi, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Ban hành một số chính sách tạm thời hỗ trợ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; hỗ trợ kinh phí đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, mua máy thông tin liên lạc, mua thẻ bảo hiểm y tế; chỉ đạo thu mua hải sản đánh bắt ở vùng biển ngoài phạm vi 20 hải lý, dán tem đảm bảo sản phẩm an toàn; tổ chức các điểm kinh doanh hải sản an toàn trên địa bàn.
Đối với hải sản đánh bắt gần bờ hoặc không rõ nguồn gốc, tiến hành lấy mẫu kiểm tra, nếu không đảm bảo an toàn phải tiêu hủy. Đã thả nuôi 2.683 ha/2.777ha thủy sản mặn, lợ; vận động tàu đánh bắt xa bờ ra khai thác hải sản ở vùng an toàn đạt 70 - 75%.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 3.748 tấn gạo, cấp mới 1.174 thẻ bảo hiểm y tế cho nhân dân vùng bị thiệt hại; hỗ trợ 23.066,5 triệu đồng cho các chủ tàu, thuyền không lắp máy và lắp máy dưới 90CV; triển khai đóng mới 22 tàu cá từ 90CV đến dưới 400CV, cải hoán 6 tàu cá lên trên 90CV; có 9 chủ tàu đã ký hợp đồng vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP; cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 cho 35 cơ sở đông lạnh với số tiền 561,28 triệu đồng (tỉnh hỗ trợ 50%); có 7 ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay với số tiền 1.027 triệu đồng...
Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo đánh giá thiệt hại, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo khách quan, chính xác, dân chủ, kịp thời, đúng quy định.
Tỉnh đã thành lập tổ công tác chuyên trách phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác của Trung ương giám sát nghiêm ngặt và yêu cầu Formosa thực hiện đúng các cam kết, xử lý triệt để các loại chất thải đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường.
Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến sự cố môi trường theo tinh thần sai phạm đến đâu xử lý đến đó, cương quyết không dung túng, bao che.
Hà Tĩnh đang ở trong giai đoạn khó khăn, nhưng Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh sẽ đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương cách mạng anh hùng, nỗ lực vượt khó, chung tay xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững trên chặng đường đi tới.
Xin cảm ơn ông!