Những ngày qua, diễn ra vài vụ bắt quả tang “điển hình” một số công ty SX TĂCN, thú y, thủy sản, kể cả cơ sở giết mổ buôn bán sử dụng chất cấm.
|
Cán bộ PC49 đang kiểm tra chất cấm tại một cơ sở SX kinh doanh thuốc thú y |
Điều lạ là không thấy bóng dáng của các cơ quan chức năng địa phương mà đều tập trung ở cơ quan Trung ương. Tại sao vậy?
Tin báo chủ yếu của dân
Cụ thể là mới đây, ngày 16/12, sau khi nhận được thông tin qua đường dây nóng của người dân điện thoại, lực lượng thanh tra chuyên ngành NN-PTNT đã kiểm tra đột xuất 2 cơ sở giết mổ gia súc là Tân Bình và Út Hảo đều ở TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương và phát hiện heo đưa vào giết mổ có sử dụng chất cấm Salbutamol.
Tại đây, hàng trăm con heo đang chuẩn bị được đưa đi giết mổ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, lực lượng thanh tra phát hiện 5/10 mẫu dương tính với Salbutamol, đặc biệt là có trường hợp heo vừa được “vỗ” Salbutamol xong đã đưa ngay vào giết mổ, khiến hàm lượng chất cấm này có trong sản phẩm lên tới 856ppb, vượt trên 171 lần ngưỡng cho phép.
Điều đáng nói là, lò giết mổ Út Hảo nằm trong vùng qui hoạch giết mổ tập trung, được ngành thú y tỉnh xếp loại “mô hình” cung cấp nguồn thịt sạch đảm bảo VSATTP cho người tiêu dùng.
Theo lời khai ban đầu của 2 chủ cơ sở, nguồn heo được thu gom từ các thương lái, chủ trang trại chăn nuôi ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Tại đây, qui mô một cơ sở giết mổ trung bình từ 130-150 con (ban ngày) và 150-200 con heo (ban đêm).
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN-PTNT, từ các lời khai của các chủ trang trại cho biết, trong trường hợp người nuôi heo không có chất tạo nạc, giá hiện nay là 42-43 ngàn đồng/kg nhưng vẫn bị thương lái từ chối không mua, hoặc nếu mua sẽ ép giá xuống thấp. Các thương lái còn đặt vấn đề thẳng với người chăn nuôi, nếu heo có chất tạo nạc sẽ mua với giá 45-46 ngàn đồng/kg và có bao nhiêu heo sẽ được bao tiêu hết.
Điều đáng nói là, trước đó vào ngày 7/12, cũng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, lực lượng thanh tra chuyên ngành phối hợp với cán bộ của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) kiểm tra Cty TNHH Hóa dược Minh Anh nằm trên địa bàn phường Vĩnh Phú, TX Thuận An, chuyên kinh doanh buôn bán dược phẩm từ tháng 11/2012.
Căn cứ trên sổ sách cho thấy, từ tháng 3/2014 đến tháng 10/2015 doanh nghiệp này được ngành y tế cho phép nhập khẩu trên 3,2 tấn Salbutamol từ Ấn Độ về Việt Nam để bào chế chữa bệnh hô hấp, hen suyễn cho người, nhưng lại đem bán cho các đơn vị không có chức năng dược phẩm để hưởng chênh lệch giá.
Trong đó đối tượng khách hàng tiêu thụ chính là Cty TNHH Thủy sản Seabird (trước ở quận 3, sau này chuyển về quận Bình Thạnh - PV) do ông Trần Văn Bùi làm giám đốc, ra đời cùng thời với Cty Minh Anh từ tháng 10/2011. Từ đây, ông Bùi tiếp tục “phân phối” lại cho các đầu nậu, thương lái để bán cho người chăn nuôi.
Qua kiểm tra tại văn phòng Cty TNHH Hóa dược Minh Anh, cơ quan chức năng phát hiện một thùng 25 kg chứa Salbutamol 98% dạng nguyên chất đang dùng nửa chừng và đã sử dụng hết 7,5 kg. Đoàn thanh tra đã thu hồi niêm phong 17,5 kg số lượng còn lại chờ xử lý.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, đến nay cơ quan công an vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ nguồn cung cấp, nhập khẩu và phân phối dược phẩm của Cty TNHH Hóa dược Minh Anh này.
Rõ ràng, một trong nguồn đưa Salbutamol ra thị trường cho bên ngành chăn nuôi hiện nay là do bên ngành dược, y tế cho phép nhập khẩu, xuất bán ra ngoài nhưng lại không quản lý được. Đặc biệt, ngay cả ngành chức năng địa phương từ thú y, QLTT đến Sở Y tế tỉnh Bình Dương xem ra cũng “bó tay” (!?).
Chủ yếu ở trang trại
Tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có đàn heo và tập trung trang trại chăn nuôi nhiều của cả nước: khoảng 1,7 triệu con heo với 1.500 trang trại.
Trong năm 2015, ngành chăn nuôi của tỉnh trở nên khốn đốn khi lực lượng chức năng liên tục phát hiện heo có chất cấm ở nhiều trang trại. Theo đó, Thanh tra Chi cục thú y tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 4 đợt thanh kiểm tra lấy mẫu tại 225 trang trại để xét nghiệm.
2 cơ sở giết mổ gia súc Út Hảo và Tân Bình (TX Dĩ An, Bình Dương) có đến 50% mẫu được kiểm tra chứa chất cấm Salbutamol (Ảnh tư liệu của Thanh tra chuyên ngành Bộ NN-PTNT)
Qua kiểm tra, phát hiện 31 mẫu của 31 trang trại dương tính với Salbutamol. Theo ông Trần Văn Quang (Chi cục trưởng Chi cục Thú y), 2015 được đánh giá là năm có số hộ vi phạm cao nhất trong vòng 3 năm qua. Nguyên nhân hộ chăn nuôi sử dụng chất tạo nạc xuất phát từ nhiều phía. Trong đó, giá heo hơi biến động tích cực vào những tháng cuối năm nên người dân sử dụng chất Salbutamol nhằm tạo nạc cho heo để dễ bán. Hơn nữa, chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe.
Nếu phát hiện vi phạm, hộ chăn nuôi nhỏ sẽ bị phạt hành chính 5-10 triệu đồng, trang trại 10-20 triệu đồng. Lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm cao hơn mức phạt nên người nuôi không sợ.
Cũng theo ông Quang, hiện nay chính vì nguồn Salbutamol nhập khẩu chưa được quản lý tốt nên các Cty SX TĂCN, thủy sản, thú y, đầu nậu, thương lái, kể cả người chăn nuôi đều mua được tuốt. Không những vậy, các điểm trung chuyển heo, cơ sở giết mổ cũng mua chất cấm về “vỗ” cho heo nhiều nạc trước khi đem đi giết mổ.
Cụ thể, thời gian qua ngành thú y tỉnh phối hợp cùng phòng CSMT, công an TP Biên Hòa và UBND các huyện, thị lấy 6 mẫu tại 3 cơ sở giết mổ, 2 điểm trung chuyển heo hơi. Qua phân tích, phát hiện 3/6 mẫu dương tính với chất cấm, chiếm tỷ lệ đến 50%!
“Đã đến lúc Bộ Y tế cần phải quản lý chặt chẽ nguồn Salbutamol nhập khẩu. Trung ương sớm điều chỉnh mức xử phạt theo giá trị lô hàng phát hiện chất cấm và tiêu hủy toàn bộ. Đối với những trường hợp tái phạm cần kiên quyết xử lý hình sự. Ngoài ra, cùng với việc xử phạt hành chính, lực lượng chức năng cần tăng cường tổ chức tuyên truyền thường xuyên đến người nuôi và người sử dụng về tác hại của chất cấm đối với sức khỏe. Mặt khác, nên có hướng xử lý thêm đối với các thương lái để ngăn chặn những người này cho heo ăn chất cấm trước khi giết mổ hoặc bán ra thị trường” - ông Quang kiến nghị.