Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
08:42 - 27/04/2015
(Cổng ĐT HND) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định 1956 là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao nguồn lao động ở nông thôn.
Ảnh minh họa
Sau 5 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Ninh Bình đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 83.874 người lao động, trong đó có 19.499 người được dạy nghề từ ngân sách của Trung ương và địa phương và 64.375 người được dạy nghề từ nguồn xã hội hóa; góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2014 đạt khoảng 30%.
Dạy nghề dài hạn trung cấp, cao đẳng nghề là 25.665 người; dạy nghề ngắn hạn là 58.209 người. Đã có 19.499 người được hỗ trợ học nghề từ ngân sách Trung ương và địa phương được đào tạo xong, 14.206 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn (đạt 72,85%) gồm 2.744 người được doanh nghiệp tuyển dụng; 3.094 người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; 8.368 người tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn. Một số nghề được người lao động lựa chọn và được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, các HTX, các làng nghề trên địa bàn tỉnh gồm các nghề truyền thống của địa phương như nghề thêu, khâu chăn bông, chế tác đá mỹ nghệ, đan cói, đan bẹ chuối, bèo bồng... và nghề mới đưa vào địa phương như may công nghiệp, chẻ tăm hương...
Năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã đề ra chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề cho 17.000 người gồm dạy nghề trình độ trung cấp, cao đằng nghề là 4.530 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 62.350 người , trong đó dạy nghề từ ngân sách Trung ương và địa phương cho 20.000 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2020 ước đạt 55%.
Đào tạo nghề là nhu cầu thiết thực đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội. Được đào tạo nghề cơ bản, người lao động có nhiều cơ hội xin việc trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và cải thiện kinh tế gia đình. Thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phòng lao động thương binh và xã hội huyện huyện Cần Giờ (Tp Hồ Chí Minh) phối hợp các Trung tâm dạy nghề thành phố và huyện mở 101 nghề ngắn hạn, đào tạo được 2.111 lao động. Các lớp dạy nghề đều đáp ứng nhu cầu thổ nhưỡng và tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điển hình như các lớp: sản xuất muối trải bạt, nuôi tôm, chăn nuôi heo, trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật xây dựng, làm bánh kem, nấu ăn, may công nghiệp… đã giúp nhiều gia đình áp dụng ngay vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong công tác đào tạo nghề của Yên Bái thời gian qua, tỉnh đã tổ chức đấu thầu đặt hàng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo mô hình thí điểm với 47 mô hình, trong đó 20 mô hình thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp và 27 mô hình nhóm nghề nông nghiệp với tổng số người được đào tạo là 1.455 (vượt kế hoạch 21%). Qua đó, đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động nông thôn, tạo ra cơ hội cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Yên Bái cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị mới và bổ sung nhân lực để phục vụ hoạt động dạy nghề theo quy mô phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều cơ sở dạy nghề đã được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề và nâng cấp như trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trung cấp nghề Lục Yên, Trung tâm Dạy nghề Văn Yên, Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Chấn…
Trung bình hàng năm ở tỉnh Yên Bái có từ 11.000 - 14.000 người lao động nông thôn cần phải học nghề và dạy nghề. Trong 5 năm ( 2010-2014 ) các cấp Hội Nông dân đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, các chủ trương, cơ chế chính sách về đào tạo nghề cho trên 85.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở được 31 lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho 1.551 học viên là cán bộ, hội viên nông dân, có kỹ năng và kinh nghiệm làm nòng cốt tuyên truyền viên tư vấn học nghề, việc làm, tích cực vận động nông dân học nghề.
Tỉnh Phối hợp với các Trường, Trung tâm dạy nghề, UBND Cấp xã trong khâu rà soát, tổng hợp nhu cầu học nghề cho phù hợp với định hướng phát triển của địa phương, đã tổ chức dạy nghề cho 39.876 lao động ( trình độ Sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng ). Trong đó: Sơ cấp nghề: 12.735 người chiếm 32 %, đào tạo nghề dưới 3 tháng: 27.141 người chiếm 68 %.Tỷ lệ lao động nông thôn làm đúng với nghề được đào tạo bình quân toàn tỉnh đạt gần 70 %. Tư vấn giới thiệu việc làm 517 buổi cho trên 14.190 lượt hội viên nông dân. Trong năm 2014, Các cấp Hội phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và Hội thảo đầu bờ được 6.148 lớp tập huấn cho 290.697 lượt hội viên nông dân; Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội mở 5 lớp tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền, tư vấn, học nghề và việc làm cho 301 tuyên truyền viên ở 5 huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên và Thị xã Nghĩa Lộ; Phối hợp với các Trường, trung tâm dạy nghề mở 177 lớp dạy nghề cho 5.194 LĐNT, trong đó: Đào tạo nghề nông nghiệp: 117 lớp; 3.521 học viên; Đào tạo nghề phi nông nghiệp: 60 lớp; 1.673 học viên. Mở 1.152 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho 42.677 lượt hội viên nông dân .
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay, nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò của dạy nghề đối với việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo bền vững đã được cải thiện. Tỉnh đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về dạy nghề; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề để thực hiện việc đặt hàng dạy nghề; kiểm tra, giám sát; thực hiện dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Người học nghề đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của người nông dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn...
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 38 cơ sở dạy nghề với đủ các loại hình, trình độ đào tạo, từ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề; quy mô đào tạo đạt 30.200 người/năm. Xác định vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho người lao động trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.
Đến nay, các trường và các cơ sở dạy nghề đã được hỗ trợ 77 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên đủ về số lượng và đạt chuẩn về chuyên môn với cơ cấu phù hợp; nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng quy mô đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy.
Các trường, các cơ sở dạy nghề đã chú trọng phát triển chương trình học, học liệu trên cơ sở chương trình khung của Bộ LĐ-TB và XH đảm bảo phù hợp với thực tế và phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo, gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động. Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho người lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động lựa chọn học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của bản thân, gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể khẳng định đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là mục tiêu quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm nhiều địa phương.
Bùi Lâm