(Cổng ĐT HND) - Phát triển sản xuất nông nghiệp, đang là chủ đề được cả thế giới quan tâm, không chỉ bởi những đóng góp của nó, mà cả những khó khăn khi phát triển lĩnh vực này.
Hơn một tỷ nông dân trên thế giới sản xuất nông nghiệp, đa phần sống ở các nước đang phát triển, các nước nghèo, các nước nông nghiệp lạc hậu. Mặc dù nông nghiệp đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng và tạo việc làm cho người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển, nhưng nông thôn là nơi sinh sống của hơn 75% số người nghèo, thu nhập thấp dưới 1USD/ngày, trong đó phần lớn là phụ nữ.
Thế giới hiện có khoảng một tỷ người sống trong đói nghèo, suy dinh dưỡng kinh niên, trong khi đó dân số thế giới tiếp tục tăng nhanh, những nước nghèo lại có tỷ lệ tăng dân số nhanh hơn. Theo ước tính của Liên hợp quốc đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người, đạt mức 9,6 tỷ người. Để nuôi sống gần 10 tỷ người đó, sản xuất nông nghiệp cần phải tăng 70%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua ngành nông nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể, bình quân giá trị sản xuất đạt 5,36%/năm, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP cả nước từ 24,5% (năm 2000) xuống còn 20,58% vào năm 2010. Vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, bình quân lương thực từ 445kg/người (năm 2000) lên 513kg/người vào năm 2010; kim ngạch xuất khẩu tăng 4,5 lần, từ 4,3 tỷ USD vào năm 2000 lên 19,5 tỷ USD năm 2010.Nhu cầu cao như vậy, nhưng việc phát triển nông nghiệp trong thế giới hiện đại đang vấp phải những thử thách không nhỏ.
Nông nghiệp ở vào thế yếu trong mối tương quan với đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng mở rộng quy mô nền kinh tế khiến cho quá trình công nghiệp hóa được ưu tiên chú trọng. Cho đến nay, quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn ở các nước phát triển và đặc biệt mạnh mẽ ở những nước đang phát triển như Việt Nam.
Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, khan hiếm nguồn nước ngọt tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, làm gia tăng chi phí đầu vào. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm từ 16-20% năng suất lao động toàn cầu.
Sản xuất nông nghiệp dựa trên các nguồn tự nhiên sẵn có như đất đai mầu mỡ, nguồn nước ngọt và các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu… đã đạt tới giới hạn tối đa, không tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng.
Các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn để áp dụng phương thức canh tác mới, hiện đại hóa ngành nông nghiệp rất thiếu. Sản xuất nông nghiệp một phần do đặc thù của nó, phần khác do tình trạng nghèo, kết cấu hạ tầng lạc hậu, khả năng quản lý kém, lợi nhuận thấp… nên không hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư lớn và vốn đầu tư nước ngoài. Một bộ phận nông dân quá nghèo, không có vốn, khó tiếp cận các thị trường, các dịch vụ tài chính để phát triển sản xuất.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến giai đoạn này, nước ta tự hào đã có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc loại cao nhất thế giới như: Gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, nho, dừa, cao su, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Trong 12 loại cây trồng, vật nuôi này, hiện nay, nhiều chủng loại đã phải kiềm chế tăng số lượng như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu và cá tra.
Từ đó cho thấy, hiện nay ngành nông nghiệp có rất nhiều lợi thế, khẳng định chúng ta không chỉ đi theo, tiến kịp thế giới mà còn có thể đi cùng thế giới. Những phấn đấu này của ngành nông nghiệp đã đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về nông nghiệp không những chỉ với các nước trong khu vực mà còn được thế giới đánh giá khá cao.
Gắn với quá trình đổi mới, những cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã được triển khai trong cả nước. Từ một nước nghèo, thiếu lương thực, hết năm 2014, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đã đạt mức kỉ lục, với số thu đến 30,86 tỷ USD. Giá trị tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng ngày một cao hơn, toàn ngành đạt 3,9 %, tốc độ tăng GDP của ngành đạt 3,49% so với 3,27 mức mục tiêu Chính phủ đề ra. Song song với đó, tỷ trọng giá trị tăng trưởng trong tổng giá trị tăng sản xuất ngành đã lên đến 67,8% so với mức 57% của năm 2010.
Nông nghiệp của nước ta có rất nhiều khả năng cạnh tranh, đây là năng lực cạnh tranh vốn có của quốc gia và Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu nhờ ngành nông nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế một cách có hiệu quả, thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao, công nghệ tin học nhằm phát triển, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng, ở các cấp độ khác nhau.
Thực tiễn đặt ra phải có tầm nhìn mới về sản xuất nông nghiệp. Theo thông báo “Triển vọng nông nghiệp 2013-2022” của FAO và OECD, giá lương thực trung bình sẽ tăng thêm khoảng từ 10-40% trong thập niên tới. Mức tiêu thụ lương thực toàn cầu có xu hướng tăng cao, giá lương thực biến động và nguy cơ tiềm ẩn khủng hoảng lương thực. Cùng những hậu quả phát sinh từ cuộc khủng hoảng này là động lực thúc đẩy hiện đại hóa ngành sản xuất nông nghiệp. Tương lai sẽ bắt đầu cuộc cách mạng mới trong sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, nông nghiệp đã thành bệ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế, góp phần quan trọng giữ vững ổn định xã hội. Nông nghiệp Hà Lan, với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lên tới 107 tỷ USD (năm 2013) đã đóng vai trò quyết định cho sự phục hồi nền kinh tế của nước này.
Nhiều nước trên thế giới đã phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch thích ứng với biến đổi khí hậu đã đạt được những thành tựu to lớn. Ứng dụng khoa học công nghệ, kết hợp khoa học kỹ thuật với công nghệ quản lý, tổ chức sản xuất được coi là chìa khóa để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tích tụ tập trung ruộng đất với quy mô hợp lý. Tạo điều kiện phát triển trang trại ở nông thôn và hình thành hợp tác xã, công ty nông nghiệp của các chủ trang trại để sản xuất hàng hóa.
Phát triển nông nghiệp xanh-một nền nông nghiệp “tiết kiệm và không có rác thải” bảo đảm an toàn cho cả nông dân và người tiêu dùng, giữ gìn hệ sinh thái nông nghiệp được Thái Lan xác định là phương thức để phát triển tiềm năng và nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp.
Hiện Chính phủ Thái Lan bắt đầu triển khai dự án trọng điểm “phát triển đô thị nông nghiệp xanh”, đẩy mạnh sản xuất nông sản thân thiện với môi trường, phù hợp với văn hóa và truyền thống của địa phương.
Cùng với những giải pháp công nghệ, việc đào tạo những nông dân chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ người làm nông nghiệp giỏi được các cường quốc nông nghiệp rất chú trọng. Ở Pháp, 34% số lao động trong nông nghiệp tốt nghiệp đại học chuyên ngành, 25% số cơ sở hoạt động nông nghiệp sở hữu ít nhất một chứng nhận chất lượng cấp quốc gia.
Có thể thấy, tiềm năng phát triển, cạnh tranh vốn có của nông nghiệp không nhỏ, có thể làm giàu nhờ nông nghiệp. Thực tế kinh tế nông nghiệp có thể coi là bệ đỡ cho kinh tế của các tỉnh, thành góp phần quan trọng an sinh xã hội, ổn định xã hội. Đòi hỏi cấp ủy các cấp phải tập trung chỉ đạo tiết kiệm đất nông nghiệp, tăng vụ tập trung đất canh tác, tạo điều kiện phát triển mở rộng các trang trại, tăng mức đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm nông nghiệp. Tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân …
Để ngành nông nghiệp phát triển hơn nữa, Bộ NN&PTNT kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bộ đang chuẩn bị thành lập Nhóm công tác thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của 20 doanh nghiệp lớn đang có nhiều mô hình hoạt động nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng bằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và định hướng chuỗi sản xuất thông suốt, khép kín.
Minh Nhật