Thu mua hồ tiêu giá cao: Khéo bị lừa bởi chiêu bài quen thuộc của thương lái Trung Quốc
21:38 - 26/04/2015
Thời gian gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc đổ xô về tỉnh Đắk Lắk thu mua hồ tiêu với giá cao khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Nếu nông dân không cảnh giác trước tình trạng thương lái Trung Quốc đột ngột thu mua với giá cao thì khó tránh khỏi về thiệt hại. Ảnh: C.T.V
Theo chị Nguyện Thị Miền (nông dân trồng tiêu ở Đắk Lắk), điều kỳ lạ là, ngoài thu mua hồ tiêu chín, thương lái Trung Quốc lại đua nhau mua hồ tiêu còn non với giá tương đương các loại già, chín. Trong khi đó, chị Huỳnh Tuyết Như cho biết, giá hồ tiêu trong những ngày này mà thương lái Trung Quốc hỏi mua rất cao. “Tui thấy lạ, nên hỏi lại, giá thị trường hiện nay chỉ khoảng 180.000 đồng/kg, trong khi đó các anh chị mua với giá từ 190.000 đến 195.000 đồng/kg. Sao cao dữ vậy?”, thì những người này nói: “Bên Trung Quốc đang rất cần mặt hàng này”.

Một cơ sở thu mua hồ tiêu tiết lộ, tất cả hồ tiêu này được bán cho thương lái Trung Quốc đặt hàng, sau đó họ xuất sang Trung Quốc. Mặt hàng này đang ăn rất mạnh, có bao nhiêu thương lái cũng thu mua tất.

Theo người dân, dường như kịch bản thu mua nông sản với giá cao từ thương lái Trung Quốc ngày trước đang có xu hướng lặp lại, với chiêu bài quen thuộc của những thương lái này vẫn là mua giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn, vì một số người ham lợi nên nảy sinh trình trạng hái trộm tiêu, sau đó những thương lái này bỗng dưng biến mất làm nông dân ôm hận và thiệt hại về kinh tế.

Cũng như bài học mới đây là, việc thương lái Trung Quốc đi lùng mua rễ tiêu với giá cao tại các tỉnh Tây nguyên khiến nông dân đua nhau nhổ rễ tiêu, thương lái ùn ùn mua gom nhưng các thương lái Trung Quốc bỗng lặn mất tăm. Hoặc hàng trăm xe tải chở hàng ngàn tấn dưa hấu tập trung tại Cửu khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để bán sang Trung Quốc nhưng giá hạ đột ngột, không bán được, buộc hàng ngàn tấn dưa hấu phải đổ bỏ la liệt dọc Quốc lộ 4A hoặc đưa sang Trung Quốc qua cửa khẩu thì bị trả về.

Trước đây ở Đồng bằng song Cửu Long cũng từng xảy ra trường hợp thương lái Trung Quốc đến tìm thu mua lá sắn; lá, thân cây bần ổi với giá cao ngất ngưởng rồi sau một thời gian thu mua thì họ biến mất để bà con điêu đứng. Rồi tại 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn (Bình Định), thương lái Trung Quốc thu gom lá trầu không và cà gai leo trên địa bàn làm người dân địa phương hám lợi, đổ xô đi “truy hái” một cách triệt để. Và mới đây nhất, người dân tại xã Gia Canh, huyện Định Quán (Đồng Nai) đổ xô đi bán lá điều khô mà không biết thương lái mua để làm gì. Hay đầu tháng 5/2014, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, những người trồng chuối đứng ngồi không yên, trước thực trạng đầu nậu thương lái Trung Quốc rảo khắp các đồi núi để mua chuối trái với giá cao. Sau đó những người này biệt tăm, giá chuối rớt không có điểm dừng.

Phơi tiêu chờ thương lại Trung Quốc đến mua. Ảnh: C.T.V

Thiết nghĩ, trước những trường hợp như thế này, nông dân cần đề cao cảnh giác để tránh những thiệt hại về kinh tế.

Ông Nguyễn Đào Chí, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Đắk Lắk, cảnh báo: Khi lượng hồ tiêu thu gom với giá cao tập trung ra biên giới, nếu thương lái Trung Quốc lập lại chiêu bài như trước không mua thì chúng ta sẽ thiệt hại kinh tế và rối loạn thị trường trong nước.

“Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung tuyên truyền sâu rộng đến nông dân đừng vì lợi ích trước mắt mà nhận hậu quả không tốt về sau, đồng thời điều tra làm rõ mục đích thu mua của các đối tượng này”, đại diện lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk nói.

Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo