Từ đỉnh 210.000 đồng/kg năm 2015, giá tiêu đổ dốc còn 70.000-75.000 đồng/kg hiện tại. Giá giảm, sản lượng tăng, chất lượng kém, tồn kho dự báo năm nay 40.000 tấn vì thị trường ngày một thu hẹp. Ai sẽ giải cứu tiêu?
Chặt cà phê, cao su
để trồng… tiêu
Lặn lội hơn 200km mua dây tiêu giống từ xã Bom Bo (Bù Đăng, Bình Phước), ông Thảo (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết năm nay ông quyết “làm lớn” trồng 1.000 trụ, gấp đôi năm ngoái.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp gia đình ông Thảo phá bỏ vườn cà phê để trồng tiêu, tổng cộng đã chặt hơn 1.700 cây cà phê để có đất trồng 2.000 trụ hồ tiêu.
Giá mủ cao su đứng ở mức thấp nhiều năm qua nên ông Nguyễn Văn Tân (Đăk Ơ, Bù Gia Mập, Bình Phước) quyết định phá bỏ vườn cao su đang thu hoạch để có đất trồng hơn 200 trụ tiêu cho kịp thời vụ
Chỉ vào vườn hồ tiêu vừa trồng, ông Tân cho biết ông đã đốn 2ha cao su, gần 300 cây cà phê để trồng 4.500 trụ hồ tiêu.
Mỗi trụ tiêu tốn gần 200.000 đồng, nhưng thấy nhiều người trồng tiêu nên “nhắm mắt” làm liều. “Chưa thu đồng nào từ hồ tiêu nhưng chắc không sao. Hàng nông sản giảm rồi lên lại”, ông Tân tự trấn an.
Dù mủ cao su đang nhích giá lên, nhưng ông Nguyễn Thanh Ba (ấp Rạch Chàm, xã An Bình, Phú Giáo, Bình Dương) vẫn quyết chuyển sang hồ tiêu.
Chỉ vào những vườn hồ tiêu mới trồng liền kề trên con đường vào ấp, ông Ba cho biết trước đây khu đất này còn trồng cao su và điều, nhưng giờ đây là 300 trụ hồ tiêu, chưa kể hơn 1.000 trụ hồ tiêu được trồng trước đó.
“Phải chờ hơn 2 năm mới thu hoạch nhưng với giá 70.000-80.000 đồng/kg, hồ tiêu vẫn cho lời 40.000-45.000 đồng, gấp đôi cà phê và khỏe hơn trồng điều”, ông Ba lập luận.
Cung vượt cầu, tiêu có tiêu điều?
Bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết với diện tích khoảng 130.000ha hồ tiêu, niên vụ năm nay Việt Nam thu khoảng 180.000 tấn tiêu. Sản lượng này cao hơn năm ngoái 30.000 tấn, nhưng "đó chưa phải con số cuối cùng".
“Diện tích trồng mới tăng mạnh ở giai đoạn năm 2010-2014 khi giá tiêu lên mức cao 150.000-210.000 đồng/kg. Với nhiều diện tích trồng mới, những năm tới sản lượng hồ tiêu Việt Nam sẽ tăng 'khủng” hơn'", bà Oanh nói.
Theo bà Oanh, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang chiếm gần 60% tổng sản lượng toàn cầu, việc tăng mạnh diện tích hồ tiêu sẽ khiến nguồn cung vượt cầu, giá sẽ tiếp tục bất ổn.
Trong khi đó, ông K. - đại diện một công ty mua hồ tiêu xuất khẩu tại Bình Dương - cho biết vụ thu hoạch hồ tiêu năm trước Việt Nam còn tồn khoảng 10.000 tấn, cộng thêm 10.000 tấn dư ra niên vụ này và 20.000 tấn nhập khẩu, "năm nay Việt Nam sẽ thừa khoảng 40.000 tấn hồ tiêu so với nhu cầu".
Không riêng gì Việt Nam, theo đại diện Công ty Thúc Sinh
(TP.HCM), các nước như Campuchia, Ấn Độ, Brazil cũng tăng mạnh diện tích hồ tiêu những năm gần đây. Riêng Campuchia sản lượng tăng lên gấp nhiều lần, hiện đạt hơn 20.000 tấn/năm.
“Nguồn cung hồ tiêu thế giới năm nay dự đoán ở mức 470.000-480.000 tấn, nhiều hơn năm ngoái 80.000 tấn” - vị này dự đoán.
Thiếu tiêu “sạch”, thừa tiêu bẩn
Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, để có đủ 70.000 tấn hồ tiêu đạt chất lượng xuất sang thị trường Mỹ và EU, Việt Nam đã phải nhập hơn 22.000 tấn hồ tiêu.
Con số thực chất, theo các doanh nghiệp, cao hơn, lên đến 25.000-30.000 tấn do lượng hồ tiêu nhập về từ Campuchia không được thống kê.
Giới doanh nghiệp cho rằng dù đang là cường quốc hạt tiêu khi chiếm đến 60% sản lượng toàn cầu, nhưng hạt tiêu Việt Nam đang mất dần thị trường lớn vào các đối thủ khác.
Một trong những nguyên nhân là nạn sản xuất tiêu bẩn, cho nên dù giá rẻ hơn so với hồ tiêu Brazil đến 100 USD/tấn, thì hồ tiêu Việt Nam vẫn không được ưa chuộng.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu cho biết với chi phí cho một mẫu đem đi kiểm tra tốn 2-3 triệu đồng, năm qua công ty này phải tốn hơn 20 tỉ đồng chỉ để kiểm tra chất lượng nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất sang EU.
“Chúng tôi xuất 4.000 tấn sang EU, trong đó 50% là hồ tiêu Việt Nam, còn lại phải nhập từ Brazil và Indonesia về Việt Nam do rất khó tìm nguồn tiêu sạch trong nước”, vị này cho biết.
Theo ông Lê Đức Huy - phó tổng giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk (tỉnh Đắk Lắk), hơn 50% sản lượng hồ tiêu Việt Nam có thể đạt tiêu chuẩn an toàn để xuất sang các thị trường khó tính, nhưng tìm được loại này rất tốn công.
“Mua container 25 tấn hồ tiêu của Việt Nam phải gom từ hàng trăm vườn, dẫn đến nhiễm chéo chất lượng. Trong khi tại Brazil hay Indonesia, chỉ cần mua hồ tiêu của vài nông dân đã đủ chuyến hàng. Rất dễ truy xuất và quản lý chất lượng”
- ông Huy nói.
Không nên xả hàng khi giá đang giảm
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 4 tháng đầu năm nay cả nước xuất khẩu được hơn 70.000 tấn tiêu, tăng 10% so với cùng kỳ 2016 nhưng giá trị lại giảm mạnh do rớt giá. Dù nhu cầu hồ tiêu của thế giới những tháng cuối năm dự báo tăng, nhưng giá mặt hàng này khó có khả năng tăng trở lại do nguồn cung từ Việt Nam tăng, chưa kể lượng hồ tiêu Campuchia đưa sang Việt Nam khá nhiều, Indonesia sắp vào vụ thu hoạch...
Tuy nhiên, ông Nam khuyến cáo nông dân không nên đổ hồ tiêu ra bán ào ạt khi thấy giá xuống, càng kéo giá giảm sâu thêm do nguồn cung đổ dồn. Thay vào đó, nông dân nên điều tiết sản lượng bán vừa phải để giữ giá, hoặc chờ giá hồ tiêu quay đầu tăng nhẹ trở lại.