Nông dân bị lừa trồng chanh dây, bí xanh: Có thể khởi tố vụ án
10:12 - 13/06/2017
Liên quan đến vụ việc người dân ở tỉnh Gia Lai bị một số doanh nghiệp lừa trồng chanh dây, bí xanh rồi... biến mất, các luật sư cho rằng, nông dân có thể khởi kiện các công ty bán giống, bán phân, hứa bao tiêu sản phẩm rồi trốn biệt ra tòa. Nhưng trong trường hợp các công ty này cắt đứt mọi liên lạc, nông dân có thể đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nông dân hoang mang vì bí không có người mua, chờ thối


Chính quyền sẽ họp dân để tìm cách xử lý

Như Dân Việt đã phản ánh, hàng chục hộ dân ở huyện Chư Sê và huyện Chư Pứh (Gia Lai) trồng bí, chanh dây theo hợp đồng với Công ty Cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên (127 Lý Thường Kiệt, Tp.Pleiku) và Công ty Tuấn Đại An (38 Lý Nam Đế, Tp.Pleiku) đang khốn đốn vì các công ty này “mất tích”. Hiện hàng nghìn tấn bí xanh (tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê) hợp đồng với Cty Phú An Khang Tây Nguyên không bán được. Còn tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pứh), hơn 80% nông dân trồng chanh dây với Công ty Tuấn Đại An phải chặt bỏ vì giống dỏm, năng suất kém.

 

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Chư Sê - cho biết, giá thu mua bí trên thị trường hiện rất thấp, khoảng 800 đồng/kg, trong khi theo hợp đồng thì người dân sẽ được công ty thu mua với giá 5.000 đồng/kg. Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NNPTNT nắm tình hình, phòng đã liên hệ với công ty nhưng không được. Đối với diện tích chanh dây hợp đồng với Công ty Tuấn Đại An, ông Lê Quang Vang - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh - cho biết, sắp tới xã sẽ họp các hộ dân để thống kê diện tích chanh dây, xem xét tính pháp lý của hợp đồng để có hướng xử lý.

Người dân cần làm đơn khiếu kiện

Theo luật sư Tạ Quang Tòng – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk về vụ việc này, trước hết người dân cần làm đơn khiếu nại gửi tới chính quyền địa phương và các công ty đã ký hợp đồng để yêu cầu giải quyết. Nếu họ không trả lời, không giải quyết khiếu nại thì rõ ràng là họ vi phạm hợp đồng, lúc này người dân có thể khởi kiện ra tòa án. “Lưu ý là người dân cần lưu lại những hình ảnh vườn chanh dây, quả bí xanh bị thiệt hại để làm bằng chứng trong quá trình giải quyết” – luật sư Tòng nói.

Ở một khía cạnh khác, luật sư Võ Thị Tiết – Văn phòng Luật sư Bình Định (tỉnh Bình Định) cho rằng, trong hợp đồng có ràng buộc nếu người dân bán cho thương lái khác thì phải bồi thường gấp 10 lần giá trị nông sản cho công ty. Cho nên khi khởi kiện ra tòa, nông dân cũng có quyền yêu cầu công ty bồi thường gấp 10 lần mức độ thiệt hại.

"Nếu trong hợp đồng không có quy định, thì căn cứ theo các quy định của pháp luật pháp để phân xử"- luật sư Tiết nói.

Cũng theo luật sư Tiết, nếu trường hợp tòa án gửi giấy triệu tập mà công ty không đến, không phản hồi, kiểu như “địa chỉ ma”, thì rõ ràng sự việc không còn là án dân sự nữa. Do đó cần phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo. Luật sư Tiết phân tích: Theo phản ánh của người dân, sau khi sự việc vỡ lở, người dân nhiều lần liên hệ bằng điện thoại, đến trụ sở công ty nhưng không gặp được đại diện công ty. Trong trường hợp công ty chuyển địa chỉ kinh doanh, tối thiểu vẫn phải liên hệ được bằng điện thoại. Còn khi mọi liên hệ đều bị cắt đứt, người dân có thể đề nghị cơ quan công an khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo