Theo khảo sát, các gia đình nông thôn Hải Dương đang chi nhiều nhất cho ăn uống (2,2 triệu/tháng). Sau đó đến chi giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá, ma chay cưới hỏi… Còn chi ít nhất cho mở rộng sản xuất: 386.000đ/tháng...
Chi ăn gấp hơn 6 lần chi sản xuất
Tôi gặp Vũ Phương Mạc (xã Hồng Khê, huyện Bình Giang, Hải Dương) khi anh đang điều khiển chiếc máy gặt đập liên hợp Kubota trị giá trên 600 triệu bò nghễu nghện trên con đường làng. Phần lớn tiền mua máy là nhờ vay mượn. Người mướt mải mồ hôi, anh chép miệng bảo giờ làm ăn khó lắm, máy móc nhiều hơn cả cua đồng, cạnh tranh rất khốc liệt.
|
Anh Mạc đang điều khiển máy gặt |
Mỗi ngày sức máy gặt được 10 mẫu nhưng chỉ nhận được 2 mẫu nên đồng công trừ đầu trừ đuôi được khoảng 1 triệu/ngày đã là may. Trong khi đó thời vụ gặt hái chỉ khoảng 20 ngày đã kết thúc. Hết mùa, máy gặt chẳng khác gì đống sắt vô tri.
Tính chi li ra công làm đất, công cấy, tiền giống, tiền phân, tiền thuốc sâu, thuốc chuột, tiền gặt tất tật đã mất 1-1,2 triệu đồng để đem về trên dưới 2 tạ thóc, bán trung bình 6.000đ/kg, hòa đã là giỏi chứ chưa tính đến lãi. Bởi làm lúa không hiệu quả nên giá gặt thuê cũng chẳng được bao lăm, không biết bao giờ anh Mạc có thể trả hết nợ?
Mấy năm trước NNVN là tờ báo tiên phong phản ánh chuyện người dân huyện Thanh Miện (Hải Dương) chán ruộng, làm đơn xin trả lại ruộng, mở đầu cho 39 đoàn báo chí, truyền hình rầm rộ vào cuộc, đưa tin. Sức nóng của vụ việc tỏa hầm hập vào nghị trường khiến cho người đứng đầu tỉnh Hải Dương phải gấp rút tìm giải pháp.
Công cuộc dồn điền đổi thửa được đẩy mạnh trên toàn tỉnh, ruộng đã không còn cảnh một sào dăm ba mảnh nhưng vẫn manh mún bởi đất đai không chịu nở ra, chỉ có con người mỗi lúc một thêm đông đúc. Hải Dương mới chỉ có 28 hộ tích tụ được ruộng đất quy mô, nhỏ nhất 5 ha, lớn nhất 22 ha, bình quân 12,7 ha theo các hình thức thuê và chuyển nhượng. Rất chậm so với xu thế.
Thống kê của đề tài: “Nghiên cứu một số biến đổi cấu trúc xã hội ở nông thôn tỉnh Hải Dương hiện nay…” do Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh cho thấy các gia đình nông thôn Hải Dương đang chi nhiều nhất cho ăn uống (2,2 triệu/tháng). Sau đó đến chi giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ, văn hoá, ma chay cưới hỏi… Còn chi ít nhất cho mở rộng sản xuất (386.000đ/tháng), chưa bằng 1/6 chi cho ăn uống.
Tỷ trọng chi tiêu ăn uống trong chi tiêu đời sống là một trong những chỉ tiêu đánh giá mức sống cao hay thấp. Tỷ trọng này càng cao thì mức sống càng thấp. Trong khi đó, chi cho sản xuất - mấu chốt để thúc đẩy kinh tế phát triển thì ngược lại, rất ít.
Điều này một phần xuất phát từ tâm lý an phận thủ thường sợ đầu tư lớn, một phần bởi sản xuất nông nghiệp đang có quá nhiều rủi ro, nhất là không có quy hoạch, không có định hướng mà chỉ ào ào, tự phát.
Mạng Internet là thứ lây nhiễm nhanh nhất trong giới trẻ nông thôn nhưng cũng khiến cho con người dễ biến thành những con cừu, chỉ đi theo một lối mòn, chỉ tìm kiếm theo những gì mình mong muốn mà không hề biết những vấn đề thời sự xung quanh. |
43,5% nông dân khi được hỏi, trả lời chi thấp hơn thu; 40,3% thu chỉ đủ chi và 16,2% trả lời thu không đủ chi.
“Nghèo” về tinh thần
Hải Dương là tỉnh nông nghiệp phát triển ở đồng bằng sông Hồng mà nông dân vẫn còn mướt mải với việc chạy ăn hàng ngày như thế chứ chưa nói gì đến các tỉnh nghèo khác. Một khi vẫn còn phải tuân theo tiếng réo thúc của dạ dày thì đời sống tinh thần vẫn còn nghèo nàn thậm chí có nguy cơ tụt hậu.
Món ăn tinh thần của họ là gì? Đại đa số nông dân đều chỉ biết quanh quẩn với mỗi chiếc tivi. Cũng theo khảo sát 85% xem ti vi hàng ngày, không có ai chưa bao giờ xem tivi. Tuy nhiên số người chưa bao giờ đọc sách là 41,6%, đọc báo là 36,7%.
Cách xem ti vi của nhiều nông dân chủ yếu là theo dõi game show hay các bộ phim truyền hình dài hàng trăm, hàng ngàn tập. Chị Hồ Thị Tư, một người nông dân ở vùng chuyên canh rau màu ở xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) thực thà: Mở mắt ra là đi làm đồng khi trời còn chưa sáng để cắt nhánh, tưới cho dưa, đợi khô sương thì thụ phấn, tận tối mịt vẫn còn đeo đèn pin để phun thuốc trừ sâu. Mỗi ngày lao động trung bình 12-14 tiếng nên cả nhà tôi không có thời gian để đọc bất kỳ cuốn sách hay tờ báo nào thậm chí là nghe đài. Nguồn tin duy nhất giờ là chiếc tivi. Vấn đề thời sự duy nhất chúng tôi quan tâm là dự báo thời tiết bởi nó liên quan đến sản xuất được hay mất mùa”.
Mấy năm về trước, miền Bắc rộ lên phong trào lập tủ sách các dòng họ, các nhà văn hóa nhưng nhanh chóng bị phai tàn. Xã Hồng Khê (huyện Bình Giang, Hải Dương) có 9 thôn trong đó 5 là thôn văn hóa được trang bị tủ sách. Không gì buồn hơn là cái tủ sách ở đây, nó chỉ lèo tèo vài chục đầu mục, quanh năm mạng nhện chăng đầy vì cả 360 ngày không có ai thèm đến. Ông Đào Quý Tâm, bảo vệ ở nhà văn hóa thôn Lôi Trì, kể trong hai năm mình trông nom chưa bao giờ thấy ai đến cầm một cuốn sách lên để đọc.
|
Vắng lặng nhà văn hóa |
Ngay cả cái nhà văn hóa nhiều lúc cũng mang hàm ý hơi mỉa mai bởi lắm người trong thôn còn chưa bao giờ từng bước vào nơi đó. Họp hành ít khi quá 1/5 số người được mời chịu đến, phần đa là những ông già, mắt mờ, tai nặng. Trên bục đại biểu vừa bắt đầu ở dưới đã chuyện phiếm như ngô rang, thuốc lá rít mù mịt.
Ở nhiều lớp tập huấn KHKT tôi thấy chủ yếu là người già, phần đa là đàn ông. Nông thôn đàn ông thường rảnh rỗi hơn phụ nữ nên nhận phần đi tập huấn, lấy chút kinh phí (30-50.000đ/buổi) ngồi nghe nhưng sản xuất ở nhà lại chỉ toàn đàn bà là chính. Người được tập huấn không chịu nghe, không làm trực tiếp, người làm trực tiếp lại “đói” KHKT nên lạc hậu cứ đậu xuống lưng.
Chỉ mươi năm về trước thôi, dân quê mỗi lần có dịp ra Hà Nội khi về đều lắc đầu bảo, ở Thủ đô bụi lắm, có con sông Tô Lịch đen và thối lắm! Giờ thì khoảng cách ô nhiễm giữa thành thị và nông thôn đã được xóa nhòa, đâu đâu cũng xuất hiện những con kênh, con sông đen kịt. Cách Hà Nội tới 50-60 km, Hồng Khê thuộc vào xã cuối nguồn của một con sông tiêu của huyện nhưng mỗi năm cũng phải hứng chịu nạn nước đen đổ về vài ba bận.
Đó là còn may mắn chán so với các địa phương đầu nguồn như Sặt, Tân Hồng, Bình Minh, Thái Học… nơi tối đến đi ngủ có người vẫn phải đắp khăn mặt ướt trùm đầu vì không thể chịu nổi mùi xú uế, nơi ăn cơm có nhà vẫn phải mắc màn vì ruồi muỗi bu như trấu rắc. Uất ức đến mức chỉ muốn xông vào bắt sống quả tang, xông vào mà đập phá cho hả giận những nhà máy đang đầu độc môi trường.
|
Trạm lấy nước sông của nhà máy Việt Đức giờ đã bị bỏ hoang |
11/4 năm nay, một đợt nước đen ghê gớm ào về Hồng Khê kéo dài ngót 10 ngày. Nước chảy đến đâu cá tôm nhảy lao xao rồi chết rục xác dưới bùn đến đấy. Khi làn nước đen mon men đến ruộng, một thông điệp khẩn từ trên ban ra, tất cả các phai cống đều phải đóng kín để huyện bơm nước bẩn đi, dùng nước triều mà thau rửa.
Ngay cả nhà máy nước sạch Việt Đức đặt trên địa bàn thôn Trinh Nữ mấy năm trước còn hút nước sông lên lọc rồi cấp cho các xã giờ ô nhiễm quá đành phải thôi. Khi tôi đến, những cái ống thép trị giá bạc tỉ hoen rỉ vẫn còn chọc xuống lòng sông đầy bùn thối như những cái dây truyền nước của một bệnh nhân đã lên cơn ung thư giai đoạn cuối, toàn thân đầy u nhọt. Ai sẽ là người giải cứu nông dân khỏi những nỗi thống khổ về môi trường bây giờ?