Áp đảo nông sản nội
Từ sáng sớm các ngày 9, 10.10, phóng viên Dân Việt có mặt tại chợ đầu mối Long Xuyên (An Giang)- chợ đầu mối lớn nhất vùng. Theo quan sát của PV, các loại nông sản ở đây không thiếu một thứ gì của TQ, từ củ gừng, quả ớt đến các loại rau, củ, quả khác. Nói chuyện với chúng tôi, bà Võ Thị Liên- một thương lái chuyên mua nông sản liên tỉnh có kiốt lớn tại chợ Long Xuyên cho biết: “Gần đây nông sản TQ được tiêu thụ mạnh tại ĐBSCL, nên tôi đã lấy thêm nhiều hàng từ các mối hàng ở cửa khẩu phía Bắc, đem về bỏ mối cho các chợ”.
|
Nông sản TQ chiếm lĩnh tại chợ đầu mối TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ảnh: TRỌNG BÌNH |
Theo bà Liên, trước đây mỗi ngày bà Liên bán khoảng 10 tấn củ, quả các loại nhưng những tháng gần đây, lượng tiêu thụ tăng lên gấp đôi. Lý giải điều này, bà Liên cho biết: “Gừng TQ đưa vào chợ Long Xuyên, các chủ vựa bán ra chỉ từ 17.000- 18.000 đồng/kg, trong khi đó gừng ở đây (An Giang), giá luôn cao hơn từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Cà rốt cũng vậy, chủ vựa bán ra chỉ có 15.000 đồng/kg nhưng cà rốt Đà Lạt có giá cao hơn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg”. Giá rẻ nên nhiều người dân ham mua.
Một thương lái tại đây là anh Lê Minh Son, chuyên lấy hàng nông sản TQ về bán tại các chợ đầu mối TP.Long Xuyên, cũng cho biết, dạo này đường thông thoáng, cùng với sức tiêu thụ nông sản TQ tăng mạnh nên mỗi tháng “đánh” được 3 chuyến hàng, chủ yếu là các loại củ như hành tây, khoai tây, gừng, củ cải đỏ, bởi mấy loại củ này để lâu, không hao hụt, trong khi thị trường tiêu thụ rất mạnh.
Theo ghi nhận của Dân Việt, nhiều chợ đầu mối ở TP.Long Xuyên và Châu Đốc, huyện Châu Phú (An Giang) đều có các mặt hàng củ, quả của TQ (nhiều nhất là hành tây, tỏi, khoai tây, gừng, su hào, lê, táo, lựu, nho), những mặt hàng này tràn ngập và áp đảo nông sản do người dân trong vùng làm ra. Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại các chợ đầu mối, những mặt hàng nông sản TQ được các tiểu thương mua, đem về vùng nông thôn bán lại. Vì vậy, nông sản TQ đã len lỏi khắp mọi ngõ ngách miền quê ở ĐBSCL. “Trước đây tôi còn phải đi xuống Long Xuyên lấy hàng chứ bây giờ thì người ta giao hàng tận nơi cho tôi, táo Tàu, tỏi Sơn Đông gì cũng có hết. Nhờ mua với giá rẻ nên bán rất có lời” – chị Nguyễn Thị Tường (Ba Tường), một người buôn bán ở xã Phú Bình, huyện Phú Tân (An Giang), cho biết.
Không riêng gì ở An Giang, nhiều chợ nông thôn địa phương như Cần Thơ, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Tiền Giang... các mặt hàng nông sản TQ đều được bày bán. “Nho TQ rất dễ mua ở các chợ thuộc Châu Thành (Bến Tre), loại nho này màu đen giống như nho Mỹ nhưng chỉ có 30.000 đồng/kg. Tỏi TQ có tép lớn, khi lột vỏ ra sẽ thấy màu trắng, dễ phân biệt với tỏi trong nước” – bà Lê Thị Hạnh – người dân ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Bến Tre nói.
“Đội lốt” để tiêu thụ
"Người dân rất khó phân biệt đâu là nông sản trong nước, đâu là nông sản TQ, kể cả một số thiết bị kỹ thuật của các cơ quan chức năng cũng chưa chắc phân biệt được. Cụ thể như khoai tây TQ pha cát, được người bán giới thiệu là khoai tây Đà Lạt. Vấn đề này, ngành quản lý thị trường cần có những giải pháp quản lý tốt cũng như can thiệp kịp thời, để người tiêu dùng yên tâm”.
Ông Lê Văn Bảnh
|
Theo đại diện của Sở Công Thương An Giang, sở dĩ hàng hóa TQ tràn ngập thị trường mạnh kể từ khi sự kiện phá giá đồng nhân dân tệ của TQ. Sau “động tác” trên, hàng hóa TQ dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam, trong đó dễ nhận thấy nhất là nông sản.
Ông L.M.H (đề nghị không nêu tên) - Phó Tổng Giám đốc một công ty xuất khẩu lớn ở TP.Cần Thơ nhận định: “Sau việc TQ phá giá đồng tiền thì nông sản nước này bắt đầu đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, tập trung rõ nhất là ở các chợ đầu mối ở miền Tây. Sau đó, được đưa về các vùng nông thôn”.
Ông Lương Ngọc Trung Lập – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả Miền Nam) cho biết: “Nhiều loại nông sản TQ đã vào thị trường vùng ĐBSCL, trong đó phần lớn là những nông sản ở vùng khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới”.Theo ông Lập, nông sản TQ tràn vào ĐBSCL đã tác động đến sản xuất và thu nhập của người dân vùng ĐBSCL, cụ thể là khiến cho lượng trái cây của người dân trong vùng tiêu thụ chậm, không cạnh tranh được giá cả.
“Để cứu mình, người dân vùng ĐBSCL cần phải cải tiến kỹ thuật, hạn chế đến mức thấp nhất chi phí đầu tư và sản xuất ra sản phẩm có chất lượng để bán giá cạnh tranh. Việc giao thương hàng hoá qua lại chúng ta không cấm, thế nhưng Nhà nước cần can thiệp bằng cách xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước” - ông Lập nêu ý kiến.
Theo ông Lê Văn Bảnh – Phó Cục trưởng Cục Chế biên nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT), nông sản TQ xâm nhập vào thị trường nông thôn vùng ĐBSCL sẽ làm cho giá cả nông sản bị xáo trộn, bởi giá nông sản TQ lúc nào cũng rẻ hơn. Người dân ngại mua nông sản TQ vì nhiều yếu tố, trong đó “ngán” nhất là chuyện an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi được tung ra thị trường, nông sản nước này thường “đội lốt” nông sản Mỹ, Thái Lan, Úc, chứ nếu nói thẳng là nông sản TQ, người dân cũng không mua”- ông Bảnh phân tích.