Cây trồng đến thời điểm đáng phải bón phân, phun thuốc nhưng người lao động bận đám xứ tặc lưỡi cái là bỏ đấy đi.
|
Người dân đang ngày một nhạt nhòa với cây lúa |
Bác cứ phun hộ nhé...
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải từng kể với tôi một chuyện rằng khi đi tập huấn về cách phun chế phẩm ozon để phòng trị bệnh cho cây mận ở một huyện miền núi.
Lúc đầu bà con tụ tập lại xem hướng dẫn rất đông về sau cứ tản dần, tản dần, cuối cùng trơ lại mỗi ông chủ vườn. Sau một hồi ngập ngừng, ông này cũng nói: “Em bận đi ăn cỗ, bác cứ cầm bình leo lên đồi phun hộ em hết vườn mận này nhé!”.
Việt Nam có hơn 30 triệu lao động nông thôn nhưng mới chỉ có 17% trong số đó được đào tạo. Đại bộ phận nông dân vẫn sử dụng những kỹ năng, kỹ thuật kiểu cha truyền con nối hoặc học hỏi, bắt chước lẫn nhau nên rất yếu và thiếu.
Trong khi đó phần đông lao động quen với lối sống tiểu nông, tùy tiện. Cây trồng đến thời điểm đáng phải bón phân, phun thuốc nhưng bận đám cưới, đám nhắm tặc lưỡi cái là bỏ đấy đi.
Bình thuốc đáng phải pha với nồng độ thuốc bao nhiêu nhưng không hề đo đếm mà chỉ ang áng, lọ vacxin đáng phải tiêm chọc theo một liều lượng nhất định nhưng cũng chỉ làm theo thói quen.
Cũng có rất nhiều cuộc tập huấn cho nông dân để cải thiện tình hình này nhưng không có phong bì bồi dưỡng là họ hầu như không đi. Nếu có đi thì chồng hoặc vợ nghe tập huấn nhưng có khi về lại người nhà đi phun thuốc, đi tiêm theo thói quen nên thường quá liều, phối trộn lung tung là vì thế.
Theo phiếu điều tra giá thành SX lúa vụ chiêm năm 2014 ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) cho thấy người nông dân đổ ra cho một sào ruộng trung bình 1,39 triệu đồng/vụ.
Trong đó riêng khoản chi phí cho công lao động như nhổ mạ cấy, phun thuốc, gặt, thăm đồng… đã chiếm tới 870.000đ. Với năng suất bình quân 1,8-2 tạ/sào, giá bán 6.500-7.000đ/kg, SX lúa hiện nay là hòa hoặc thậm chí lỗ.
Hạt thóc bị rẻ rúng, ruộng đồng cũng bị xem thường. Như ở Minh Đức có 3,5 ha trong đồng, 5 ha ngoài bãi bỏ hóa. Giờ không còn cảnh người nông dân đi thăm đồng, ngắm đồng với một tâm trạng phơi phới, háo hức như có vợ mới để xem cây lúa hôm nay khác gì cây lúa ngày hôm qua nữa.
Trình độ nông dân hạn chế cộng với tình yêu đất mỗi lúc một nhạt nhòa nên cái gì làm tắt đỡ công được là họ mách nhau áp dụng. Thuốc trừ cỏ thường trộn với đạm để rắc, nếu trót bón đạm rồi thì trộn cát rắc cho đỡ tốn công.
Ngay ở những vùng thâm canh lúa có tiếng nhưng nông dân vẫn thích lá to, lá dài nên phải quãi nhiều đạm, vẫn phun thuốc rầy trước khi gặt 4-5 ngày, vẫn để giống qua 2-3 vụ cho tiết kiệm, vẫn bón phân mà không cần biết cây trồng từng giai đoạn cần gì.
Nông dân Vũ Tiến Dũng 57 tuổi ở thôn Quèn (Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương) được đánh giá là người có trình độ làm ruộng nhất xóm thế mà chi phí cho một sào lúa cũng mất khoảng 1 triệu đồng. Nhà ông cấy 7 sào trong đó 5 sào cấy lúa lai còn 2 sào cấy BC15.
Với lúa thuần, ông có thói quen mua giống một vụ để cấy hai vụ dù giá giống chỉ 30.000đ/kg. Năm nay thời tiết bất thường, từ đầu vụ đến giờ đã bốn lần ông phải xách bình đi phun thuốc mà năng suất xem chừng rất kém.
Cùng ở thôn Quèn, anh Nguyễn Văn Thư năm nay tuy mới 46 tuổi nhưng sức khỏe yếu nên việc đồng áng đều phó mặc cho vợ.
+ Chỉ có 8,4% lao động nông thôn được đào tạo qua các trường nghề từ trung cấp đến cao đẳng nghề, trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học cũng chỉ chiếm 3,2%.
+ Nhiều nông dân khi trồng cây vẫn giữ thói quen trộn phân đổ đống vào hốc rồi lấp đất mà không biết cần phải rải đều trên mặt luống vì rễ dưới gốc chỉ là cơ học giúp cố định thân còn rễ hút dinh dưỡng tỏa ra xung quanh theo hình chiếu của tán lá.
|
Chị Thư cấy 1,1 mẫu lúa, trong đó 5 sào nhận thêm ngoài tiêu chuẩn. Trung bình 1 sào chị bón 15kg NPK, 7 kg phân Đầu Trâu, 3 kg ka li, đạm xanh rồi lân nọ, thường quên bón lót mà chỉ toàn bón thúc. Đầu tư gấp rưỡi, gấp đôi thông thường nhưng không đúng chủng loại, thời điểm, số lượng phân nên ruộng nhà chị luôn “đội sổ” về năng suất so với mọi nhà trong làng với năng suất lúa lẹt đẹt 1,5 tạ/sào. Vụ tới chị Thư tính sẽ trả hết số ruộng nhận thêm.
Giàu trước khi già, đến bao giờ?
Khởi đầu từ bóng đá rồi đến nhan nhản trên các công trường đã thấy nhiều dấu ấn của “ngoại binh”. Điều gì sẽ xảy ra khi lao động châu Phi hoặc lao động Trung Quốc tràn sang Việt Nam làm nông nghiệp?
Về sức khỏe, độ chuyên nghiệp chắc hẳn lao động ngoại hơn đứt lao động nội nhưng chắc chẳng anh “Tây đen” hay “Tàu vàng” nào đọ được về giá cả với lao động ta khi ngày công chỉ 150-200.000đ. Liệu “của rẻ có là của ôi”? Rẻ có thực sự là rẻ? Nhiều người bảo đó là rẻ nếu so trên ngày công nhưng lại đắt so với khối lượng công việc, khả năng của lao động đạt được trong một ngày làm việc.
Theo xếp hạng của một số tổ chức độc lập thì năng suất lao động của người Việt Nam bằng 1/15 Singapore, bằng 1/11 Hàn Quốc, bằng 1/7 Malaysia, bằng 1/5 Thái Lan…và bằng 1/2 bình quân của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Để cho ra được so sánh định lượng này người ta đã lấy GDP chia cho số lao động đang làm việc của nền kinh tế đó, nước nào có GDP cao dĩ nhiên năng suất lao động cao hơn.
Lao động nông thôn hiệu suất đang rất kém
Đó là năng suất bình quân của lao động Việt Nam nói chung còn năng suất lao động nông thôn, nông nghiệp còn thấp hơn thế rất nhiều bởi dù chiếm 47% nhưng lực lượng này chỉ đóng góp cho GDP chừng 7-8%. Hiện thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng của lao động nông thôn chỉ đạt 1,6-1,8 triệu đồng, thấp bằng phân nửa so với lao động thành thị.
Lãnh đạo xã Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) tỏ ra rất tự tin khi khẳng định với tôi rằng trong 11.000 dân của xã không một ai là thất nghiệp. Tuy nhiên cũng cần phải nói thêm khái niệm thất nghiệp ở quê và thành phố khá khác nhau.
Ngoài nghề nông giờ chỉ cần 10-15 ngày công mỗi vụ ra thì một ngày cắt đôi gánh cỏ cho cá ăn hay bắt dăm ba cân ốc quanh ao làng cũng gọi là có việc làm, cũng không xếp vào thất nghiệp dù gánh cỏ hay mớ ốc ấy chỉ giá trị 30-40.000đ và một tháng chỉ được dăm ba lần gọi thuê. Liệu một con người có sống được bằng ngày công kiểu ấy?
Việc thấp nhất ở nông thôn giờ đây là 100.000đ/công như trồng rau, cắt cỏ, dọn vườn giờ chỉ dành cho cánh đàn bà sức yếu còn công thấp nhất của cánh đàn ông là phụ vữa cũng khoảng 150.000đ. Giá không phải là quá rẻ nhưng rất bập bõm nên cánh trai trẻ ở làng quê hiện hút hết vào trong các nhà máy, xí nghiệp vẫn ngày ngày mọc thêm sừng sững giữa các đồng. Các đám cưới ở nông thôn giờ bắt buộc phải làm vào Chủ nhật hoặc chiều thứ Bảy bởi làm ngày thường chỉ có ông già, bà cả cùng đám nhỏ đến chống đũa mà nhòm cỗ.
Chất xám, sức lực của hàng triệu trai gái làng trong thời kỳ dân số vàng bị uổng phí như thế trong những tháng ngày miệt mài bên guồng quay của máy móc, bị vắt kiệt như một quả chanh để rồi khi ráo mồ hôi, đổ bệnh thì lại hết tiền.
GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các Vấn đề Xã hội đã từng cảnh báo rằng, đừng tự hào về nguồn dân số vàng bởi cái đó chỉ trong thời gian ngắn, hãy chủ động xây dựng những chính sách triệt để tận dụng cơ hội, lợi thế ấy, để có thể “giàu trước khi già”. Nhưng liệu đến bao giờ? (Hết)