Cho đến tận bây giờ, bà Nguyễn Thị Chúc (trú tại khu Xuân Cầm, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) vẫn không thể tin mình có thể làm được kinh tế trang trại đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Đến với con rươi, con cáy và trồng lúa như ngày nay, theo bà Chúc, đó là một cái duyên hết sức tình cờ…
|
Bà Nguyễn Thị Chúc giới thiệu các sản phẩm từ rươi và cáy. |
Con nhà nông lại về với nghiệp nhà nông
Trước khi “bén duyên” với con rươi, con cáy và trồng lúa, bà Nguyễn Thị Chúc chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghề nông, bởi cả hai vợ chồng bà đã nếm trải quá nhiều nỗi vất vả từ công việc này. Nỗi nhọc nhằn hồi nhỏ với những buổi cày cuốc, gánh lúa, giã gạo khiến bà bị ám ảnh và đặt quyết tâm phải học thật giỏi để “thoát ly” cảnh chân lấm, tay bùn. Học xong cấp 3, theo lời khuyên, bà không theo học trường hải quân mà theo ngành thương nghiệp, rồi làm việc tại Bách hóa Đông Triều.
Được ăn “lộc trời”, làm ăn phát đạt, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng, bà Chúc luôn tâm niệm nên làm những việc thiện như hỗ trợ phúc lợi xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cho vay không lãi suất, chia sẻ hết những kinh nghiệm mà mình tích góp được để mọi người cùng phát triển.
Năm 1990, trong cơ chế mới, ngành thương nghiệp quốc doanh có nhiều khó khăn trước sự lớn mạnh, sôi động và giàu sinh lực của kinh tế thị trường. Sau khi bàn bạc, vợ chồng bà Chúc quyết định xin nghỉ hưu non để về nhà làm kinh tế. Chồng mở xưởng đóng tàu, còn bà nuôi con và bán tạp hóa. Đến năm 1995, được sự động viên của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Sơn (nay là phường Xuân Sơn), bà Chúc đã mạnh dạn đấu thầu 5ha đất tại khu Xuân Cầm để trồng lúa, bắt rươi, bắt cáy. |
Ngày đấu thầu, khu đất ấy bạt ngàn lau sậy, mấp mô chỗ cao chỗ thấp, nhìn đã thấy sợ huống hồ lại còn có ý định cải tạo thành đầm, thành ruộng. Nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao”, vợ chồng bà Chúc thuê thêm người cải tạo, đào đất, bốc bùn, đắp bờ chia nhỏ từng ô để trồng lúa.
“Ngoài trồng lúa, nhờ có nước thủy triều lên xuống, nơi này cũng có chút “lộc trời”- đó là con rươi, con cáy mà không phải mất tiền đầu tư. Nhưng khổ nỗi, cứ đến mùa, người dân quanh vùng và chủ đất cho mình thuê lại ra bắt hết rươi và cáy với cái lý “nhà bà chỉ đấu thầu mặt nước, chúng tôi bắt con rươi, con cáy thì ảnh hưởng gì?” nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao…” - bà Chúc nhớ lại.
Cũng theo bà Chúc, thời ấy, dù có rươi nhưng sản lượng rất ít, trong khi đó cả huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) lại chỉ có 3 người thu mua nên thường xuyên bị ép giá. Đến năm 1998, người Trung Quốc về mua, giá rươi ổn định, vợ chồng bà đóng cửa xưởng đóng tàu và cửa hàng tạp hóa, tập trung vào việc phát triển nông nghiệp.
Bí quyết đơn giản để có đặc sản nổi tiếng
Sau thời gian theo dõi, ghi chép rất cẩn thận, chi tiết về sản lượng rươi, cáy, bà Chúc đã rút ra được kinh nghiệm quý báu để đưa sản lượng, chất lượng các loại con đặc sản này ngày càng tăng.
“Sau nhiều năm ghi chép cẩn thận, cũng như tự rút ra kinh nghiệm, tôi nhận thấy con rươi, con cáy phát triển tốt ở môi trường sạch sẽ. Chính vì vậy, khi trồng lúa, tôi không bao giờ sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Ngoài ra, rươi là loài lưỡng tính, khi rửa, tôi thấy nước màu trắng đục nên tôi thường gom lại rồi đổ ra đồng. Đối với con cáy, khi bắt về, thấy con nào nhiều trứng, tôi không bán mà thả ra bờ ruộng. Nhờ thế, năng suất của rươi và cáy ngày càng tăng, đem lại thu nhập lớn cho gia đình…” - bà Chúc chia sẻ.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bà Chúc cũng nhận thấy, trước khi gieo cấy lúa, bà thường cày thật sâu để cho ấu trùng của con rươi có điều kiện phát triển tốt. Sau khi bắt, nếu muốn rươi sống được lâu, hàng ngày phải rửa bể chứa, thay nước sạch. Với con cáy, lại phải làm nhiều bờ cao trên cánh đồng để cáy làm hang, sinh sản. Từ những kinh nghiệm tích cóp được, bà Chúc cho biết, rất nhiều người ở huyện Thanh Hà và huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương đã sang học hỏi rồi về áp dụng. Nhờ đó 4 – 5 năm nay rươi đất Hải Dương mới nổi tiếng và có sản lượng cao như bây giờ.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh cánh đồng bằng phẳng được đắp bờ kiên cố, xung quanh trồng nhiều loại cây ăn quả tươi tốt, bà Chúc vui vẻ kể: “Phương pháp làm ăn của tôi là lấy ngắn nuôi dài nhưng phải ổn định, bền vững. Từ năm 2005 – 2008, tôi gom tiền, vay ngân hàng để mua lại hết cả 5ha đất hoang hóa này. Trước khi mua, vợ chồng tôi xác định sẽ khó khăn, vất vả hơn nên cùng “bỏ phiếu một lòng thông qua nghị quyết” là dù có mệt mỏi cũng không được cãi nhau, không được bỏ cuộc, cả 2 cùng phải quyết tâm làm giàu…”.
Ngoài trồng lúa, thu hoạch rươi, cáy, với quyết tâm làm giàu, vợ chồng bà Chúc còn mở quán lẩu rươi tươi ở ngay chân cầu Cầm. Cũng tại đây, bà còn bày bán nhiều sản phẩm được chế biến từ rươi, từ cáy, trong đó có mắm cáy sông Cầm đã được bà đăng ký nhãn hiệu, nổi tiếng cả nước.
Được ăn “lộc trời”, làm ăn phát đạt, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng, bà Chúc luôn tâm niệm nên làm những việc thiện như hỗ trợ phúc lợi xã hội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cho vay không lãi suất, chia sẻ hết những kinh nghiệm mà mình tích góp được để mọi người cùng phát triển...
Trước khi chia tay, bà tâm sự, cậu con trai sinh năm 1990, sau khi học xong đại học đã có công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước. Cô con gái năm nay học lớp 12, bà mong muốn nối nghiệp mình nhưng xem ra không được vì con gái ngại làm nông. Trong khi đó, rất nhiều người khi thấy mô hình hay đã đem cả “núi tiền” đến để mua lại hoặc xin đầu tư cùng nhưng bà không đồng ý bởi “chưa muốn lên bờ”. Nhìn vào mắt bà, tôi nhận thấy, sự tâm huyết, yêu nghề xen lẫn nhiều điều trăn trở hiển hiện trong người nông dân tỷ phú này.