Lạc vào 'ma trận' bình phun thuốc trừ sâu, nông dân biết kêu ai?
17:33 - 16/01/2017
Bình phun (thường dùng để phun thuốc trừ sâu hoặc phân bón lá…) là vật dụng rất quen thuộc của mỗi nhà nông. Trước đây thường là bình bơm cơ (bơm tay) nên khá bất tiện, thì nay đã được cải tiến thành bình bơm điện hết sức tiện lợi vì thế có giá cũng khá cao từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/bình 18 lít.

Giá thành khá cao, nhu cầu lớn, khiến cho loại bình này đang được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam sau đó “hô biến” thành những thương hiệu rất kêu như sản phẩm liên doanh với Nhật Bản, Hàn Quốc thậm chí tên… Quốc Phòng; hay bình bơm điện ắc quy LD: Việt – Mỹ siêu công suất, siêu bền… hoặc nhái các thương hiệu có uy tín mà không hề có dấu hợp quy (chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng lưu thông thị trường) khiến nông dân như lạc vào ma trận, thiệt hại không nhỏ…
 

Thị trường bát nháo, nông dân biết kêu ai?

Mới gặp chúng tôi, chị Trần Thị Liên ở xã Thiện Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã bức xúc kể về việc mới mua chiếc bình bơm hiệu Osanata Việt – Nhật với giá 950 ngàn đồng mới phun cho vườn rau được 3 lần đã hỏng. Khổ nỗi hôm mua cửa hàng bán kêu bảo hành 3 tháng, khi về nhà chị vô ý làm ướt thế là cửa hàng từ chối bảo hành bình coi như vứt đi.

Chị Liên than: Bữa ra nhân viên cửa hàng nói bình tốt lắm lại thấy ghi chữ LD Việt – Nhật cứ nghĩ là hàng công ty liên doanh với Nhật sẽ tốt nên mới tin mua, ai ngờ mua về mới biết bình của một công ty ở tuốt… Hải Dương.

Không chỉ ở phía Nam, phía Bắc cũng có rất nhiều nông dân mua phải bình phun thuốc sâu dỏm. Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tươi ở xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc (Hải Dương), lâm cảnh “tiền mất bực mang”.

15-49-56_nh-3-chi-nguyen-thi-tuoi
Chị Nguyễn Thị Tươi bỏ cả triệu đồng để mua phải bình mới bơm đã hỏng

 

Chị Tươi nói: Thị trường bình bơm điện bây giờ chẳng khác nào ma trận nên không biết loại nào tốt loại nào dỏm. Tôi mua bình bơm nghe người bán nói loại nào tốt bền rẻ thì mua thôi. Chị Tươi cho biết mới mua một cái bình bơm điện hiệu “Kata Japan” loại 16 lít với lời quảng cáo: “Bình bơm tốc độ cao của Cty CP Quốc tế Nakata”.

Tuy nhiên mới dùng được gần một năm thì bình đã liên tục bị trục trặc. Chị Tươi liền tháo ra kiểm tra mới tá hỏa khi phát hiện vỏ bình thì của Kata Japan nhưng mô tơ điện để bơm được đặt phía cuối bình lại in toàn chữ Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, đại diện Cty CP Quốc tế Nakata cho biết, hiện nay do giá bình bơm của Cty cao hơn trên thị trường nên thường có việc người ta đến mua vỏ của Cty sau đó mua mô tơ của Trung Quốc về bán kiếm chênh lệch. Cũng theo đại diện Cty này, tình trạng “hồn Trương Ba da hàng thịt” trong lĩnh vực bình bơm đã diễn ra từ nhiều năm nay khiến cho nhiều hãng sản xuất uy tín trong nước gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lài, thôn Xuân La, xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng bức xúc: Tôi mua bình bơm điện hiệu LD: Việt – Mỹ loại 18 lít với lời quảng cáo “siêu công suất” của đại lý Mận Văn (Quỳnh Phụ, Thái Bình) với giá 800 ngàn đồng.

15-49-56_1-b-nguyen-thi-li
Bà Nguyễn Thị Lài nói như mếu khi mua phải bình bơm điện rởm
 

Bà Lài cho biết, nhà dùng không cho ai mượn, mỗi khi dùng xong là cho vào túi ni-lông bọc kín và treo lên rất cẩn thận. Mặc dù bình mới mua vừa dùng được cho một vụ lúa tới vụ thứ hai bình hỏng không thể bơm được dù vỏ bình còn mới nguyên.

Bà Vũ Thị Dung, xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ) cũng khốn khổ vì bỏ tiền ra mua phải hàng rởm. Bà Dung cho biết, sau khi mua một chiếc bình “Nakata – Bông Lúa Vàng” với giá 800 ngàn đồng về dùng được một vụ bị hỏng mới biết mua phải hàng dởm. Đem ra thì cửa hàng nói đã quá 3 tháng bảo hành nên không có trách nhiệm.

15-49-56_nh-2-b-vu-thi-dung
Bà Vũ Thị Dung cũng khốn khổ vì bỏ tiền ra mua bình bơm kiểu “Vỏ nội địa ruột Trung Quốc”.

 

15-49-56_nh-4-moto-dien
Một chiếc mô-tơ điện Trung Quốc gắn vào bình của bà Dung
 

Nhiều Cty sản xuất bình bơm trong nước uy tín ngay cả như BMC – đơn vị được cấp chứng nhận hợp quy cho các sản phẩm bình bơm cũng phải báo cơ quan chức năng về tình trạng làm nhái làm giả sản phẩm của mình. Đặc biệt, hiện có rất nhiều hàng của Trung Quốc trên thị trường không có dấu hợp quy giả danh các thương hiệu uy tín của Việt Nam để gian dối người tiêu dùng vì lâu nay nông dân nghe tên hàng Trung Quốc là ngán ngẩm do chất lượng kém…

Hơn nữa, chiếc bình này chỉ có vỏ là của công ty còn mô-tơ điện là của Trung Quốc. Biết mình mua phải hàng đểu nên bà Dung phải bỏ ra 450 ngàn để mua mô tơ điện gắn vào bình mới tiếp tục dùng được. Bà Dung ngán ngẩm: Mình xui vớ phải hàng dởm giờ cũng không biết kêu ở đâu. Không biết nhờ ai xử lý.
 

Cần quản lý chặt

Từ thông tin mà người dân phản ánh và đại lý cung cấp, trong vai người đi mua một lượng lớn bình bơm điện, chúng tôi tìm đến một “nhà phân phối”- bình bơm lớn tại huyện Gia Lộc (Hải Dương), nơi được cho là chuyên cung cấp các loại bình bơm với đủ các nhãn hiệu để đặt hàng.

Tới đây chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và hiểu được tại sao trên thị trường lại có nhiều thương hiệu bình bơm đến vậy.

Tại căn nhà 1 trệt 1 lầu, bên ngoài cửa sắt phủ một lớp sơn màu xám không có biển hiệu, bên trong camera của chúng tôi ghi được đang chứa hàng ngàn bình bơm với đủ các loại nhãn hiệu như “Bình bơm động cơ điện cao cấp: LD Việt - Thái Lan, Siêu tốc siêu bền”; hay “Máy phun thuốc đa năng cao cấp Hoa Sen: Japan – Việt Nam (loại 16-18 lít)” hoặc “Bình bơm phun thuốc trừ sâu Việt - Nhật với dòng khẩu hiệu: Sản phẩm được nhà nông tin dùng”...

15-49-56_nh-5-ben-ngoi-cn-nh
Bên ngoài căn nhà được cho là “chuyên cung cấp các loại bình bơm đủ các nhãn hiệu”.

 

Choáng hơn, tại kho hàng này chúng tôi còn thấy cả loại bình có dòng chữ: Bình động cơ điện siêu tốc “Quốc Phòng” với hình ngôi sao đỏ chót và lời quảng cáo khá kêu: “Thương hiệu Việt vì nhà nông” (loại 18 lít)... Chỉ riêng kho hàng này chúng tôi thấy cả ngàn chiếc bình bơm được đóng trong thùng các-tông ghi rất rõ “Made in P.R.C" (Trung Quốc), và kế bên đó là hàng chục thương hiệu như đã nói ở trên được đóng vào các thùng in tiếng Việt, mẫu mã bắt mắt.

15-49-56_nh-6
Hàng ngàn chiếc bình bơm có thùng đựng của Trung Quốc trong kho hàng tại Hải Dương - ảnh cắt từ camera

 

Trao đổi với chúng tôi, người phụ nữ chủ nhà chừng ngoài 40 tuổi, cho biết: “Toàn bộ bình nhà em đều được nhập từ Trung Quốc hết. Các anh chị đến các đại lý người ta bảo là bình Việt Nam nhưng chẳng qua là người ta nói thế thôi thực ra đều từ Trung Quốc hết.

- Tôi muốn mua của chị 100 cái bình nhưng chị in thương hiệu “Bình bơm Oganic” được không?

– Anh muốn lấy tên gì nhà em cũng in cho được, nhưng anh phải tự đi đặt làm thùng giấy bên ngoài. Vì nếu nhà em đặt in số lượng ít giá sẽ cao.

Lý giải tại sao mà bình Trung Quốc lại lấy thương hiệu Việt tại kho hàng của mình thì chị này thật thà cho biết là để người mua khỏi sợ chứ chất lượng cũng thế cả.

15-49-56_nh-7
Đủ các loại thương hiệu Việt Nam nhưng ruột là Trung Quốc - ảnh cắt từ camera

 

Theo thông tin của chúng tôi, mỗi năm cơ quan chức năng cấp hợp quy cho khoảng 130.000 sản phẩm bình bơm điện khoác vai. Tuy nhiên Tổng cục Hải quan cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập trên 522.000 chiếc bình bơm điện qua đường chính ngạch chưa tính hàng nhập lậu. Như vậy trên thị trường hiện nay mới chỉ có 1/3 sản phẩm được cơ quan thẩm quyền cấp phép lưu hành còn lại đang được đua nhau đánh lừa nông dân trong khi mặt hàng này gần như không bị kiểm tra, xử lý.

Theo nhiều người dân, một chiếc bình bơm có giá khoảng gần 1 triệu đồng (tùy loại lớn nhỏ và thương hiệu…) thì đây là số tiền không nhỏ đối với bà con. Không những thế, sau khi mua phải hàng rởm, hàng kém chất lượng, không biết phản ánh tới ai. Người bán thì đổ lỗi cho nhà cung cấp. Tìm đến nhà cung cấp thì quá khó vì không biết họ ở đâu. Chính vì thế nông dân chỉ trông mong cơ quan quản lý phải quản lý chặt mặt hàng này.

 

ĐỖ HƯNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo