Dưới tác dụng của các hạt nano bạc, trong vòng 5 phút, tế bào của hơn 650 loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt và ngăn ngừa vi khuẩn phát sinh tới 99,99%.
|
Thu hoạch tôm nuôi theo công nghệ ứng dụng nano bạc tại huyện Cần Giuộc |
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng tại Long An diễn biến khá phức tạp, tôm chết hàng loạt ở nhiều nơi khiến người nuôi tôm điêu đứng.
Trước tình hình đó, Sở KH-CN Long An đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ nano bạc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại hai xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc), bước đầu cho hiệu quả.
Về thăm ruộng tôm quy mô 3.000 m2 của anh Phan Công Lại ở xã Phước Lại trong những ngày thu hoạch, không khí vui tươi ngập tràn ô ruộng bởi vụ tôm nghịch năm nay được mùa, suốt 6 tháng nuôi thả, tỉ lệ tôm sống cao, bán được giá.
Anh Phan Công Lại phấn khởi: “Vụ tôm nghịch năm nay, nhờ được Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện chọn làm xây dựng mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ nano bạc mà nhà tôi thoát cảnh đánh cược “một ăn cả, hai ngã về không”.
Trước đây mọi người vẫn có thói quen dùng các loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn truyền thống bán trên thị trường để xử lý ao nuôi tôm trước khi thả và khi tôm mắc bệnh. Chính vì dùng quen nên các loại vi khuẩn gây hại trở nên “nhờn thuốc”, do đó hiệu quả mang lại không cao, tôm vẫn bị bệnh dẫn đến chết nhiều”.
Ông Nguyễn Công Bình, kỹ sư thủy sản, chuyên viên Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Cần Giuộc cho biết: “Trong vụ tôm năm nay, huyện đã thử nghiệm mô hình ứng dụng công nghệ nano bạc nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2 ao, mỗi ao 3.000 m2 tại hai xã Phước Lại, Phước Vĩnh Tây.
Nano bạc là chất được khai thác và phát triển bằng công nghệ tiên tiến hàng đầu mang nguyên lý kháng khuẩn, tiệt trùng siêu mạnh. Dưới tác dụng của các hạt nano bạc, trong vòng 5 phút, tế bào của hơn 650 loại vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt và ngăn ngừa vi khuẩn phát sinh tới 99,99%.
Ngoài ra, nano bạc còn có tính năng ngăn mùi hôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm”.
Từ những thành công bước đầu của nuôi tôm vụ nghịch, Sở KH-CN, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Cần Giuộc tiếp tục triển khai vụ 2 với tín hiệu khả quan. Sau khi kết thúc 2 vụ nuôi thử nghiệm sẽ có báo cáo đánh giá để sớm đưa công nghệ này áp dụng vào việc nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh. |
Việc sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi tôm không chỉ khiến các loại vi khuẩn gây bệnh dễ dàng phát sinh kháng thể, mà còn tồn đọng dưới ao nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường nước.
Việc hình thành lớp bùn đáy do các chất hữu cơ, cặn thuốc tích tụ lâu ngày là nơi sinh sống của các vi sinh vật gây thối, vi sinh vật sinh khí độc như NH3, NO2, H2, H2S, CH4... cũng như các vi sinh vật gây bệnh như Vibrio, Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus... và nhiều loại nấm, nguyên sinh động vật.
Nuôi tôm theo công nghệ nano không quá phức tạp, bước đầu dùng than hoạt tính cải tạo vuông nuôi như các vụ nuôi khác. Trước khi thả tôm giống, người nuôi tôm dùng nano bạc kháng khuẩn (Anti VBF) pha đều tạt khắp ao, bình quân 5 lít/1.000 m2.
Để con tôm sinh trưởng và phát triển tốt, người nông dân nên thả nuôi với mật độ 50 - 80 con/m2. Ngoài ra, người dân nên trộn nano bạc và beta-glucan vào thức ăn và bổ sung thêm men vi sinh và vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm.
Anh Lê Văn Trị (xã Phước Vĩnh Tây, Cần Giuộc) hào hứng: “Nuôi tôm theo công nghệ nano bạc hiệu quả rõ hơn so với trước đó; khâu quản lý, chăm sóc cũng nhẹ hơn. Thông thường cứ 5 - 7 ngày là người nuôi tôm phải dùng thuốc diệt khuẩn, hóa chất 1 lần, tính ra mỗi vụ tôm người nông dân phải tốn công 10 lần, còn nano bạc chỉ 3 lần cho cả vụ.
Tổng chi phí vụ nuôi rẻ hơn khoảng 16% nhưng tỉ lệ tôm sống cao, năng suất cao hơn 30%. Ruộng tôm chỉ có 3.000 m2 nhà tôi năm nay đã thu được tới hơn 2 tấn tôm thương phẩm, do là mùa nghịch nên giá tôm rất cao, 200.000 đồng/kg”.