Áp dụng phương pháp màng bao dữ liệu (DEA), nghề nuôi trồng thủy sản ở phá Tam Giang sẽ phát triển, giải quyết được rất nhiều vấn đề cho người nông dân
ThS. Tôn Nữ Hải Âu nhận giải Nhì "Tài năng khoa học trẻ 2014" |
Sinh ra trên mảnh đất Huế, có niềm đam mê với nông nghiệp, đặc biệt ngành nuôi trồng thủy sản, ThS. Tôn Nữ Hải Âu, giảng viên Bộ môn Kinh tế nông nghiệp & tài nguyên môi trường, Khoa Kinh tế phát triển (ĐH Kinh tế Huế) đã có nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này.
Đặc biệt, trong lễ trao giải Tài năng khoa học trẻ 2014, chị đoạt giải Nhì với đề tài “Ứng dụng phương pháp màng bao dữ liệu (DEA) để phân tích hiệu quả của các mô hình nuôi trồng thủy sản ở vùng hạ triều đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh TT - Huế”.
Đầm phá Tam Giang là một trong 12 vùng đầm phá lớn nhất của châu Á. Nếu có thể phát triển nuôi trồng thủy sản tại đây, quả thực sẽ tạo ra thu nhập về kinh tế lớn cho người nông dân.
Trong nhiều năm làm đề tài nghiên cứu, đi thực địa nhiều địa phương, ThS. Tôn Nữ Hải Âu đã trăn trở rất nhiều, muốn tìm ra phương pháp tốt nhất, giúp người nông dân cải thiện chất lượng, nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Chị chia sẻ, áp dụng phương pháp màng bao dữ liệu (DEA), nghề nuôi trồng thủy sản ở phá Tam Giang sẽ phát triển, giải quyết được rất nhiều vấn đề cho người nông dân, đặc biệt là về kinh tế. Những mối lo của người dân về dịch bệnh, con giống… sẽ được giảm thiểu ở mức tối đa.
Đề tài được ThS. Tôn Nữ Hải Âu triển khai từ tháng 1/2011 - 2/2012 và từ năm 2012 đến nay là quá trình đưa ra các hội đồng thẩm định. Đây là đề tài đầu tiên được ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản ở đầm phá Tam Giang đem lại hiệu quả đang được nhân rộng.